
Ở thôn Mai Hồng, xã Tân An (Văn Bàn), chẳng ai lạ cái thằng Lượng nhà ông Lâm bởi nó nghịch như giặc. 14 tuổi, Bàn Văn Lượng đã trải qua nhiều biến cố lớn trong cuộc đời. Không kể cái mốc giết em Phiếu thì cái ngày bố mẹ bỏ nhau cũng là một mốc quan trọng, mơ hồ cấu thành nên tội ác tày trời sau này. Khi Lượng chưa đầy chục tuổi, bố mẹ mỗi người một nơi. Lượng ở với mẹ, ngày đi học, tối về đi chơi. Ngày nghỉ thì đi chăn trâu, chăn bò, bẫy chim, đánh cá, nghịch đủ thứ trên đời. Bỏ học đánh điện tử là chuyện thường ngày, có lần dỗi mẹ, Lượng bỏ nhà đi bụi. Có lần, Lượng bắt xe xuôi về Hà Nội, dạt vào mấy quán internet đánh điện tử mấy ngày liền, chán rồi lại mò về nhà. 14 tuổi, Lượng nhỏ con, đen nhẻm như một thằng bé 10 tuổi, nhưng đầu óc lại "cáo già" như đứa 20.
Thực ra, nếu hôm đó Lượng không gặp em Phiếu đang ngồi thả trâu trên bờ đê thì có lẽ không xảy ra thảm ác. Đầu giờ chiều ngày 13/3/2012, chị Văn - mẹ Lượng, bận túi bụi với cái máy xay xát, vẫn không quên nhắc Lượng đi tìm trâu về. Thôn Mai Hồng nhỏ bé nằm ven con sông Hồng mùa này luôn đỏ ngầu phù sa, bồi đắp lên những bãi bồi khổng lồ, thỏa sức cho những đứa trẻ cùng thôn như Lượng vừa thả trâu, vừa nô đùa nghịch ngợm. Lượng đi tìm trâu, đến khu vực gần lò gạch nhà ông Thiểu cùng thôn thì gặp em Phiếu cũng đang đi chăn ngựa tại đây. Phiếu năm nay mới 12 tuổi, gầy nhẳng, tóc dài quá vai. Thấy Phiếu ngồi một mình, Lượng chạy đến nói chuyện mày tao chí tớ khoảng 10 phút thì chạy đi bắn chim. Bắn mãi chẳng được con nào, Lượng quay về thì vẫn thấy Phiếu ngồi chơi cạnh lò gạch. Chẳng hiểu trong đầu thằng bé ngỗ nghịch 14 tuổi này xuất hiện thứ gì mà trong người nó sôi sùng sục một ham muốn đầy tội lỗi. Lượng lại gần Phiếu nói: "Tao vừa bắn chim ở khu vực bãi cát ven sông Hồng, bị rơi một tờ 50 nghìn. Nếu mày tìm được thì tao sẽ cho 20 nghìn". Phiếu tưởng thật, nên đồng ý xuống bãi cát tìm tiền cho Lượng. Cả hai đi ngược lên phía thượng nguồn sông Hồng, được khoảng 100m thì đến một khe do bãi đất sạt lở bờ sông tạo thành. Phiếu lò dò đi trước, vừa đi vừa bới vài bụi cỏ tìm tiền. Lượng đi sau, bất ngờ dùng hai tay ôm ngang người Phiếu. 12 tuổi, Phiếu bắt đầu bước vào cái tuổi trăng non cũng mờ nhạt hiểu cái ôm ngang người bất ngờ đầy âm mưu kia nên sợ hãi giằng tay Lượng ra, rồi bỏ chạy lên phía khe đất sạt. Thấy Lượng đuổi theo phía sau, Phiếu cố chạy thoát thân, nhưng bị Lượng đuổi kịp, túm lấy chân giật ngã. Mặc kệ Phiếu bị ngã sấp mặt xuống đất, Lượng cứ thế kéo Phiếu xuống phía dưới rồi mới buông chân cô bé ra. Phiếu sợ hãi sụt sùi nhìn Lượng và van xin: "Lượng ơi, tao xin mày" nhiều lần. Chẳng mảy may động lòng trước lời van xin của bạn, Lượng như bị con quỷ dâm dục trong người xúi giục, cứ thế lao vào đạp chân lên bụng Phiếu khiến cô bé ngã ra đất. Phiếu chống cự quyết liệt và hô lên kêu cứu. Sợ bị phát hiện, Lượng lấy tay bịt mồm Phiếu, thì bị Phiếu cắn mạnh vào ngón tay cái. Điên tiết, Lượng nhặt một hòn đá to bên cạnh đập liên tiếp 3 phát vào đầu Phiếu. Lúc này, Phiếu chẳng thể chống cự và kêu rên được nữa, Lượng bắt đầu thực hiện hành vi đồi bại. Nhưng khi thấy Phiếu nằm bất động, Lượng sợ quá không thực hiện hành vi giao cấu nữa mà lấy cỏ, đất đá quanh khu vực đó lấp lên người Phiếu. Trong lúc đang lấp, thấy Phiếu động đậy và rên rỉ, Lượng tiếp tục dùng chân đạp liên tiếp nhiều nhát vào bụng Phiếu rồi tìm hòn đá ban đầu đập mạnh thêm hai phát vào đầu làm Phiếu bất động hẳn. Lượng thấy Phiếu không còn cử động nữa thì tiếp tục lấy đất, đá lấp kín người Phiếu, sau đó dắt trâu về nhà và làm việc bình thường.
Buổi tối, gia đình Phiếu không thấy con về liền tỏa đi tìm. Tìm cả đêm mà cũng không thấy con đâu. Nhà gần sông nên phương án Phiếu bị chết đuối được đưa ra. Thế là cả làng hò nhau giúp gia đình Phiếu xuống sông mò xác. Hai ngày trôi qua trong nước mắt mà thi thể Phiếu thì vẫn chưa được tìm thấy. Đến chiều ngày 15/3, người dân mới phát hiện ra em bị vùi lấp trong khe đất lở bên cạnh bãi bồi. Những ngày cả làng đi tìm Phiếu, Lượng vẫn thản nhiên như không, thỉnh thoảng cũng theo mọi người ra sông vờ tìm kiếm, nhưng cũng là để thăm dò tình hình. Lượng gan lì đến mức, lúc lực lượng công an làm công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nó vẫn trơ tráo đứng trên ta luy nhìn xuống. Hôm sau thì Lượng sợ thật, bởi nó thấy mọi người trong thôn nói công an đang truy tìm hung thủ vì họ phát hiện ra Phiếu bị giết. Lượng sợ quá bỏ trốn, nhưng vừa ra đến khu vực cầu Tân An thì bị bắt.
Phải là người dày dạn kinh nghiệm lắm mới có thể "điều trị" được cái tên Bàn Văn Lượng này, bởi nó vốn nổi tiếng về sự già trước tuổi. Trung tá Vũ Văn Hinh và thiếu tá Nguyễn Văn Hưng, thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh, là những người trực tiếp đấu tranh với Lượng, những người kinh qua hàng chục vụ án giết người với nhiều đối tượng sừng sỏ, nhưng vẫn phải "mướt mồ hôi" với thằng bé ranh mãnh này. Trong phòng hỏi cung, Lượng trơ như cục đá, chối bay chối biến mọi tội lỗi. Có lúc còn thách đố: "Các chú cứ tìm được bằng chứng đi, rồi xem cháu có tội hay không". Đến lúc đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi được như chiếc áo có dính máu của Phiếu, Lượng lại xiên xẹo: "Làm sao cháu biết được áo cháu có máu. Mà nếu có thì hình như là do cháu bị ngã trầy xước da đấy chứ". Nhiều ngày trôi qua, đồng chí Hinh và đồng chí Hưng thay nhau vào động viên Lượng, nhỏ to hỏi về chuyện gia đình, chuyện bố Lượng bỏ đi lấy vợ hai ra sao, thằng em ở nhà thì nhớ Lượng lắm, con trâu Lượng vẫn chăn giờ tọp đi nhiều vì Lượng vắng nhà… Mưa dầm thấm lâu, Lượng như tỉnh ngộ, thút thít khóc mỗi khi bác Hinh và chú Hưng vào. Cũng có lần Lượng hỏi nhà Phiếu thế nào rồi, mẹ Phiếu có buồn không. Rồi Lượng kể lại cho các chú nghe tường tận về cái ngày Lượng thực hiện hành vi độc ác ấy với giọng đầy ân hận.
Hôm kết thúc thực nghiệm điều tra, Lượng ngồi trong chiếc xe u oát của các chú công an mà không hề biết bên ngoài, bố mình đang âm thầm nhìn con xa xăm qua ô cửa kính. Anh rút trong túi áo ngực ra một tấm ảnh nhỏ có hình một bé trai chừng ba tuổi khá bụ bẫm ngồi trước sân, mắt ngô nghê. Anh bảo, là Lượng hồi bé đấy. Nó bụ bẫm đáng yêu lắm, thế mà bây giờ lại trở thành kẻ giết người...
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu