Tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội có đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; đại diện các ủy ban của Quốc hội; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam; các bộ, ngành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Làm việc với Đoàn giám sát, về phía tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan.
Giám sát để kiến tạo phát triển
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Quốc hội khóa XIV, XV đã ban hành các nghị quyết về các chương trình mục tiêu quốc gia. Trên cơ sở giám sát để kiến tạo phát triển, giám sát để kịp thời giải quyết các khó khăn, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các thành viên của Đoàn giám sát, tỉnh Lào Cai tập trung vào một số vấn đề lớn là: Đánh giá mô hình chỉ đạo, điều hành ở cả Trung ương và địa phương qua 2 năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; làm rõ việc chậm giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và đề xuất giải pháp khắc phục; bước đầu nghiên cứu đánh giá, tính khả thi, bất cập của Nghị định 38/2023/NĐ-CP. Cùng với đó, đánh giá kết quả thực chất, tính bền vững của các mục tiêu, tiêu chí ở cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được tỉnh Lào Cai xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trên cơ sở này, tỉnh quyết liệt chỉ đạo điều hành và sáng tạo, chủ động trong cách làm. Điều này thể hiện rõ ở việc tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện từ sớm các nội dung, rà soát danh mục. HĐND tỉnh tổ chức phiên họp phát sinh để giải quyết các công việc gấp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình; thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia; chỉ đạo xây dựng các nghị quyết chuyên đề và đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Cùng với đó, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giúp đỡ từng xã trong 10 xã khó khăn; phân công lãnh đạo các sở, ngành giúp đỡ các địa phương trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; ưu tiên các nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình.
Bí thư Tỉnh ủy mong muốn trên cơ sở giám sát của đoàn sẽ giúp tỉnh Lào Cai ngày càng hoàn thiện hơn trong quá trình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại Lào Cai
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đã báo cáo tóm tắt công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Lào Cai.
Sau 2 năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Về giảm nghèo bền vững, tỷ lệ nghèo giảm 5,82% (tương ứng giảm 9.771 hộ nghèo), đứng thứ 8 về giảm nghèo ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Số hộ cận nghèo còn 21.732 hộ/178.583 hộ, chiếm 12,17% số hộ trên địa bàn, giảm 0,78%, tương đương giảm 1.072 hộ so năm 2021. Đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các xã là 60,95%, giảm 11,15%, đạt và vượt 123,91% so với mục tiêu kế hoạch hằng năm.
Về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 177 thôn kiểu mẫu, 237 thôn nông thôn mới, trong đó có 20 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới thuộc 11 xã đặc biệt khó khăn miền núi và biên giới.
Về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chỉ tiêu giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 đạt 7%, vượt 1 điểm % so với chỉ tiêu Trung ương giao; 4/33 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, đạt 12% kế hoạch giai đoạn Trung ương giao.
Về nguồn vốn và huy động nguồn vốn thực hiện các chương trình, tổng nguồn lực thực hiện 3 chương trình giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh dự kiến hơn 10.500 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân vốn ngân sách Trung ương của 3 chương trình đến ngày 30/6/2023 đạt 1.236/2.883 tỷ đồng, bằng 42,87% kế hoạch vốn giao. Ước thực hiện giải ngân vốn ngân sách Trung ương đến ngày 31/12/2023 đạt khoảng 94% kế hoạch vốn giao.
Buổi làm việc đã nghe đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Tổ trưởng Tổ công tác báo cáo tóm tắt kết quả làm việc. Theo đó, tổ đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Lào Cai rất sớm, rất rõ các nội dung trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tỉnh đã ban hành hầu hết các văn bản về cơ chế, quản lý, triển khai thực hiện các chương trình; kiện toàn ban chỉ đạo các cấp; có nhiều giải pháp trong lĩnh vực đầu tư, giải ngân vốn đầu tư nên đạt kết quả cao, nhất là trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 đều vượt xa mục tiêu Trung ương và tỉnh giao.
Lào Cai được Trung ương đánh giá là địa phương đầu tiên ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp và quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 đều đạt và vượt kế hoạch giao. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 25/29 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tổ công tác cũng chỉ ra một số hạn chế của tỉnh như một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm, chưa đồng bộ; còn chỉ tiêu thực hiện chưa đạt kế hoạch đề ra; một số chỉ tiêu, tiêu chí mới chạm ngưỡng; việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm…
Tại buổi làm việc, tỉnh Lào Cai kiến nghị với Đoàn giám sát về việc phân cấp toàn diện cho tỉnh trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để tỉnh phân cấp cho các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, các địa phương chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Cho phép khắc phục một số khó khăn, vướng mắc hiện nay theo hướng mở nhưng với điều kiện không gây thất thoát, lãng phí. Thay vì hỗ trợ trực tiếp cho người dân mà thông qua hoạt động ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Lào Cai trong triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh việc chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện 3 chương trình đối với một địa phương miền núi, biên giới như Lào Cai, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Lào Cai tiếp thu đầy đủ ý kiến của tổ công tác và các thành viên Đoàn giám sát. Quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn nữa, phát huy, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả đối với việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Quyết tâm giải ngân 100% vốn và hoàn thành mục tiêu của các chương trình đúng thời hạn; phấn đấu là địa phương điển hình trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đánh giá đúng, đảm bảo khách quan, thực chất việc triển khai các mục tiêu ở các chương trình. Nghiên cứu tính khả thi Nghị định số 38 và có báo cáo sớm với đoàn.
Đề nghị các bộ, ngành theo chức năng, thẩm quyền được giao, tham mưu với Chính phủ tiếp tục tháo gỡ những nội dung còn vướng mắc, sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để địa phương dễ thực hiện.