Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 7/6/2023, đã có hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; có 9 cơ sở dữ liệu, 14 hệ thống thông tin đã kết nối, cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên NDXP.
Tổng số giao dịch thông qua NDXP trong năm 2023 (tính đến ngày 7/6/2023) là gần 261,6 triệu, trong đó có gần 254 triệu giao dịch thành công, hơn 7,6 triệu giao dịch thất bại (lỗi). Việc các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp kết nối, chia sẻ dữ liệu qua NDXP đã góp phần tiết kiệm khoảng 25 tỷ đồng.
Trong 15 tỉnh/thành phố có số lượt sử dụng dịch vụ chia sẻ dữ liệu (giao dịch) cao nhất qua NDXP năm 2023 (tính đến ngày 7/6/2023), Lào Cai xếp thứ nhất với gần 42,5 triệu giao dịch. Tiếp theo là các tỉnh Quảng Bình (xếp thứ hai với gần 11,7 triệu giao dịch), Đắk Lắk (xếp thứ ba với gần 11 triệu giao dịch), tiếp theo là Long An, thành phố Hà Nội, Nam Định, Ninh Thuận, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Quảng Ninh, thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên và Bắc Giang.
5 bộ, ngành có số lượt sử dụng dịch vụ chia sẻ dữ liệu (giao dịch) cao nhất qua NDXP năm 2023 lần lượt là: Bộ Công An, Bộ Giao thông Vận tải, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kiểm toán nhà nước.
Các dịch vụ trên NDXP được khai thác nhiều nhất trong năm 2023 có thể kể đến như: Gửi hồ sơ, đồng bộ trạng thái xử lý, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về hộ tịch dạng điện tử (Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương); xác thực, cung cấp số định danh, chia sẻ thông tin công dân (Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp cho bộ, ngành); dịch vụ chia sẻ thông tin thẻ bảo hiểm y tế từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm…
Theo đánh giá, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia thông qua NDXP mang lại hiệu quả ban đầu rất lớn: Góp phần tiết kiệm thời gian của xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ dựa trên dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời.
Cùng với đó, việc tạo lập, kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam trên cả 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đây cũng là một trong các nội dung chính được Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng để đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hằng năm.