Lào Cai là địa phương sở hữu nhiều loài cây dược liệu quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược
Vườn dược liệu tam thất bắc tại thôn Cồ Dề Chải, Bắc Hà.
Lào Cai có điều kiện tự nhiên, khí hậu đa dạng, nên số lượng loài cây dược liệu phong phú. Lào Cai đang khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số 3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác; 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Những năm gần đây, Lào Cai xác định dược liệu là cây chủ lực, mũi nhọn để tập trung phát triển.
Theo số liệu thống kế của cơ quan chuyên ngành, đến hết năm 2023, tổng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh đạt 4.105 ha, gồm: Cây dược liệu hàng năm 890 ha (atiso, đương quy, cát cánh, chùa dù, tía tô, cỏ ngọt…) và cây dược liệu lâu năm 3.215 ha (sa nhân tím, chè dây, giảo cổ lam, hồi, đại bi, khôi nhung...).
Tổng sản lượng thu hoạch 19.000 tấn, trong đó sản lượng cây hàng năm 8.700 tấn, cây lâu năm 10.300 tấn. Giá trị đạt trên 400 tỷ đồng. Giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lương thực.
Toàn tỉnh có 157 ha/11 loại cây dược liệu trồng đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP.
Ngoài ra, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình trồng thảo dược (đương quy, tam thất, Ý dĩ, giảo cổ lam, khởi tử, bò khai…) gắn với các món ăn bản địa độc đáo, thu hút khách du lịch nhằm tăng giá trị kinh tế.
Tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tiếp tục duy trì và phát triển diện tích dược liệu của tỉnh đạt khoảng 5.000 ha tại các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp.