Làm giàu từ đam mê lưu giữ nghề truyền thống

Năm 2015, anh Vũ Quang Hưng, thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo (Bát Xát) khởi nghiệp từ nghề làm miến dong truyền thống. Nhờ cần cù, chịu khó, cùng với sự giúp sức của những người làm nghề đi trước, sản phẩm miến dong của Hợp tác xã (HTX) Hưng Hiền do anh và vợ đồng sáng lập đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tại HTX Hưng Hiền, miến dong được sản xuất theo cách truyền thống.

Tại HTX Hưng Hiền, miến dong được sản xuất theo cách truyền thống.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Bản Xèo, Bát Xát, tuổi thơ của Vũ Quang Hưng gắn liền với củ dong riềng từ việc trồng cây, thu hoạch, chọn giống cho vụ sau rồi đến cả việc tráng miến thủ công, anh đều rất thành thạo. Tại thời điểm đó, dong riềng không phải là lương thực chính và cũng không mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Đã có thời kỳ tại xã vùng cao Bản Xèo, các loại cây trồng như ngô, sắn đã dần chiếm ưu thế, người dân không còn mặn mà với cây dong riềng, nghề truyền thống làm miến dong dần mai một, chỉ còn một vài hộ duy trì mỗi dịp tết đến, xuân về.

Với gia đình anh Hưng, từ ông bà đến bố mẹ anh đều biết làm miến và làm rất giỏi. Tuy nhiên, để có thể đưa miến dong trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình, anh Hưng đã phải trải qua một hành trình khá dài. Anh bộc bạch: “Khi Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống, mình đã suy nghĩ rất lâu, bàn bạc với gia đình và quyết định đầu tư mở xưởng, tổ chức sản xuất theo quy mô hàng hóa. Mình là lao động chính, chịu trách nhiệm các khâu trong quá trình sản xuất, những việc khác như: tìm mua nguyên liệu đầu vào và tìm đầu ra cho sản phẩm miến khô thì do vợ đảm nhận. Lúc ấy, cả nhà cùng làm tất cả các công đoạn từ xay, lọc bột, tráng, phơi, đóng gói... lúc nào cũng quay như chong chóng, không một phút ngơi nghỉ. May mắn là miến phơi khô đến đâu đều được bán hết đến đấy. Kết thúc năm đầu tiên, mình bán được 7 tấn, trừ chi phí thu lãi 120 triệu đồng. Đây cũng chính là động lực quan trọng nhất để mình tiếp tục gắn bó với nghề".

Công việc cứ thế cuốn theo thời gian, mỗi năm mở rộng thêm một chút, sau 3 năm tích cóp, năm 2018, cơ sở sản xuất miến dong Hưng Hiền chính thức ra đời, là tiền thân của HTX Hưng Hiền ngày hôm nay.

Chỉ cho chúng tôi từng công đoạn để làm ra những sợi miến dong ngọt thơm, anh Hưng vô cùng hào hứng: “Điểm mấu chốt để tạo ra sản phẩm miến dong được thị trường ưa chuộng như hiện nay chính là việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào. Để có được những sợi miến khô khi nấu lên vừa có mùi thơm, vị thanh mát mà vẫn giữ được độ dai, giòn thì bắt buộc phải là tinh bột từ củ của cây dong riềng đỏ được trồng ở trên đất đồi, tuân thủ đúng kỹ thuật và phải đạt tầm 10 - 11 tháng tuổi thì mới cho ra được sản phẩm miến bảo đảm chất lượng. Với mình, khi sợi miến được nấu lên là sẽ cảm nhận được sự nồng ấm của bếp củi trong ngày mùa Đông, mùi thơm của sợi miến được phơi dưới ánh nắng mặt trời, người thưởng thức sẽ có cảm giác ấm cúng như đang sum họp bên gia đình... Đấy mới chính là hương vị miến xưa mà mình muốn đưa đến với người tiêu dùng và đây cũng là cách để mình lưu giữ nghề truyền thống của quê hương”.

Hoạt động sản xuất ổn định của HTX đã tạo ra việc làm cho khoảng 20 người lao động địa phương. Vì công việc nhẹ nhàng nên đa số người lao động làm việc tại xưởng đều là nữ. Chị Nông Thị Liên cho hay: "Nhà tôi cách đây hơn trăm mét, tôi đi làm ở HTX đã được 6 năm rồi, công việc của tôi là thái sợi, cắt và phơi miến, buổi chiều, khi miến khô thì sẽ đóng gói. So với làm ruộng, đi nương thì công việc này vừa nhẹ nhàng hơn, lại có nguồn thu ổn định 6 triệu đồng/tháng, tôi rất cảm ơn HTX đã tạo việc làm cho chúng tôi".

Còn với chị Vàng Thị Chíu, người dân ở thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo thì đây là công việc rất cần thiết. Chị cho biết, ngay từ những ngày đầu anh Hưng mở xưởng làm miến, chị đã chủ động xin vào làm tại xưởng, nhưng chị còn phải chăm lo cho gia đình nên chỉ có thể làm thời vụ. Với việc tráng miến hằng ngày tại đây, chị được HTX trả 200.000 đồng/ngày công. Đây được coi là mức thu nhập tương đối cao so với lao động nông nghiệp tại địa phương.

Để hoạt động của HTX ổn định và có thể mở rộng sản xuất, ngoài việc lựa chọn, thu mua nguyên liệu của người dân tại xã Bản Xèo, anh Hưng đã đến các xã Pa Cheo, Dền Thàng để khảo sát và đặt hàng với người nông dân. Theo đó, HTX cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đến vụ thu hoạch sẽ thu mua toàn bộ số củ dong tươi của gần 40 nông hộ. Chúng tôi đến thăm diện tích trồng củ dong của ông Vừ A Lử ở xã Dền Thàng, được biết, mỗi năm nhà ông đều trồng 30 bao giống. 7 năm qua, toàn bộ sản phẩm củ dong của gia đình ông đều bán cho HTX Hưng Hiền.

Ông bảo: "Tôi thích bán cho anh Hưng hơn những nơi khác vì anh luôn trách nhiệm, uy tín; khi tôi cần hỗ trợ về kinh tế hay kỹ thuật, anh luôn sẵn sàng. Một điều quan trọng hơn, đó là anh trả giá cao hơn, ổn định hơn và đúng với giá cam kết ngay từ đầu năm là 2.800 đồng/kg củ tươi. Mỗi năm, tôi cũng thu được 50 - 70 triệu đồng. Năm 2022, tôi thu được nhiều nhất, 120 triệu đồng. Từ số tiền này, tôi đã sửa sang lại nhà khang trang, mua sắm được xe máy, ti vi và nhiều vật dụng thiết yếu trong gia đình".

Anh Vũ Quang Hưng giới thiệu với khách hàng về quy trình làm miến.

Anh Vũ Quang Hưng giới thiệu với khách hàng về quy trình làm miến.

Nhờ có niềm đam mê với nghề truyền thống, lại có nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định, cộng với mong muốn tạo ra các sản phẩm phong phú, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng, anh Hưng đã nghiên cứu, kết hợp giữa củ sâm đất (Hoàng Sin Cô) với tinh bột củ dong riềng, tạo ra sản phẩm miến sâm được khách hàng đón nhận. Với các sản phẩm miến dong bảo đảm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, kinh doanh uy tín, được khách hàng tin tưởng, HTX Hưng Hiền đang xuất bán trung bình từ từ 15 - 20 tấn miến/năm, thu về khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí, mỗi năm thu lãi trên 400 triệu đồng.

Khởi nghiệp thành công, làm giàu từ niềm đam mê với nghề truyền thống và mong muốn mọi người cùng có cuộc sống khá giả hơn, anh đã hỗ trợ vốn, giống cây trồng cho 18 hộ dân của xã Pa Cheo và Bản Xèo để phát triển kinh tế; giúp đỡ 3 hộ gia đình tại xã Pa Cheo và A Lù thoát nghèo nhờ trồng dong riềng và chăn nuôi. Anh và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Với những đóng góp tích cực, tạo sức lan tỏa trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Vũ Quang Hưng đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh Lào Cai và UBND huyện Bát Xát. Năm 2022, anh được công nhận là Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2017-2022. Anh là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế để hội viên nông dân tích cực học tập và noi theo.

Báo Mới null

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Không để xã nào bị thu hồi quyết định công nhận nông thôn mới

Không để xã nào bị thu hồi quyết định công nhận nông thôn mới

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp đánh giá tiến độ các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 và duy trì các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới được tổ chức vào sáng nay (26/6).

Mùa quả ngọt dưới núi Đại Bàng

Mùa quả ngọt dưới núi Đại Bàng

Dãy núi đá trắng và đỉnh núi nhọn thuộc thôn Mù Tráng Phìn, xã Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) nhìn như đôi cánh đại bàng khổng lồ đang dang rộng. Ngày trước, khi mùa xuân đến có những đôi đại bàng rủ nhau về làm tổ nên đồng bào Mông nơi đây gọi là núi Đại Bàng.

Chiềng Ken dồn sức “về đích” nông thôn mới

Chiềng Ken dồn sức “về đích” nông thôn mới

Đi trên tuyến đường bê tông rộng mở chạy quanh thôn, xóm của xã Chiềng Ken (Văn Bàn), chúng tôi cảm nhận được không khí khẩn trương của người dân đang chung sức “tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất”, hoàn thành nốt những kilômét đường liên thôn cuối cùng, sẵn sàng “về đích” nông thôn mới.

Thúc đẩy sản xuất theo hướng hữu cơ vùng trung du và miền núi

Thúc đẩy sản xuất theo hướng hữu cơ vùng trung du và miền núi

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những xu hướng nhằm phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Hiện nay, sản xuất theo hướng này đã và đang được nhiều địa phương thực hiện. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ có mặt ở vùng đồng bằng còn xuất hiện ở những địa bàn miền núi, nơi đồng bào dân tộc sinh sống. Việc sản xuất theo hướng này giúp nâng cao chất lượng, bảo đảm sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, gia tăng giá trị sản xuất.

Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc từ phát triển kinh tế rừng

Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc từ phát triển kinh tế rừng

Bảo Thắng là huyện miền núi biên giới của tỉnh Lào Cai có 20 dân tộc cùng sinh sống. Nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ và chủ trương trồng những cây có giá trị kinh tế cao, vận dụng linh hoạt chính sách giao đất, giao rừng đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, từ một huyện khó khăn, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã được cải thiện về kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường.

Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo

Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ cơ sở và người dân được thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi ở Lào Cai đã có sự chuyển biến rõ rệt, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo tại địa phương.

Bảo Thắng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Bảo Thắng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp của huyện Bảo Thắng 5 tháng đầu năm 2024 đạt 57,6 triệu đồng, tăng 4,6 triệu đồng so với cùng kỳ. Để đạt được kết quả này, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Bản Hồ nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Bản Hồ nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Bản Hồ là xã vùng 3 của thị xã Sa Pa, có 7 thôn với 611 hộ, chủ yếu là dân tộc Dao (chiếm 42,5%) và dân tộc Tày (chiếm 35%). Thời gian qua, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo xã Bản Hồ đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong năm 2023, xã đạt thêm 3 tiêu chí là quy hoạch, giao thông và y tế.

Giảm phát thải trong canh tác nông nghiệp, thước đo giá trị nông sản

Giảm phát thải trong canh tác nông nghiệp, thước đo giá trị nông sản

Việt Nam đang đối mặt với việc thu hẹp sản xuất liên quan đến chất lượng đất đang bị suy thoái nghiêm trọng. Đây là ý kiến đưa ra tại hội thảo Hiện trạng và định hướng quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây tại TP.HCM.

fb yt zl tw