Theo Bộ GD&ĐT, lịch thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ sớm hơn so với năm 2022, dự kiến vào tuần cuối tháng 6 thay vì vào tháng 7.
Bộ GD&ĐT cho biết kỳ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học năm 2023 cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Dự kiến, kế hoạch tuyển sinh 2023 sẽ được công bố trong tháng 2, sớm hơn mọi năm để thí sinh có thể kịp bắt đầu năm học từ tháng 9/2023.
Lịch tuyển sinh các trường đại học cũng đẩy lên sớm hơn
Điểm mới của năm nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ được tổ chức sớm hơn so với năm 2022, dự kiến vào tuần cuối của tháng 6 (thay vì vào tháng 7).
Với những năm trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kỳ thi diễn ra vào tháng 7. Năm nay khi cuộc sống đã quay trở lại trạng thái bình thường nên kỳ thi cũng được tổ chức sớm hơn.
Kéo theo đó, lịch tuyển sinh của các trường đại học cũng được đẩy lên sớm hơn để trong tháng 9 có thể cho sinh viên nhập học.
Năm 2023, khi cuộc sống đã trở lại bình thường nên kỳ thi TNTH cũng được tổ chức sớm hơn.
Năm nay, thí sinh sẽ đăng ký trực tuyến trên Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Các em được đăng ký không giới hạn nguyện vọng và sắp xếp thứ tự nguyện vọng từ trên xuống dưới. Trong thời hạn đăng ký xét tuyển, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng sao cho phù hợp để tăng cơ hội trúng tuyển cho mình.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT từ năm 2023, các trường phải công bố đề án và quy chế tuyển sinh riêng của mình. Quy chế tuyển sinh của trường phải cụ thể hóa quy chế của Bộ. Ngoài ra, các trường phải công bố các thông tin này trước 30 ngày khi thí sinh đăng ký.
Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và ngành sư phạm sau khi có kết quả thi THPT.
Hiện nhiều trường đại học bắt đầu thông báo nhận hồ đăng ký xét tuyển năm 2023 theo các phương thức xét tuyển sớm.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết để chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ GD&ĐT dự kiến sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Các quy định về phương thức tổ chức thi, bài thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, phúc khảo... về cơ bản giữ nguyên. Bộ chỉ điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, nề nếp phòng thi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức kỳ thi an ninh, an toàn.