Dự hội nghị có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy; lãnh đạo các cơ quan nội chính của tỉnh; Bí thư các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy.
Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm 2023, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm. Công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, đúng quy định pháp luật; công tác đảm bảo an ninh nông thôn được các địa phương quan tâm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc phát sinh ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, giúp kiềm chế gia tăng tội phạm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng ngừa, mở nhiều đợt đấu tranh, truy quét trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội…
Theo đó, trong 9 tháng năm 2023, trên địa bàn xảy ra 254 vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xã hội như cố ý gây thương tích, mua bán người, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, chống người thi hành công vụ, đánh bạc… (giảm 8 vụ so với cùng kỳ năm trước), làm 75 người chết, 190 người bị thương; đã khởi tố 94 vụ/174 bị can để điều tra.
Về vụ việc liên quan đến tham nhũng, lợi dụng chức vụ, hiện đang điều tra, xác minh 5 vụ, đã khởi tố 1 vụ/2 bị can để điều tra.
Về tội phạm ma túy, phát hiện 292 vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tăng 88 vụ so với cùng kỳ năm 2022; đã khởi tố 278 vụ/321 bị can.
Về vụ việc vi phạm các quy định trong lĩnh vực kinh tế, sở hữu trí tuệ, môi trường, toàn tỉnh phát hiện 911 vụ (tăng 128 vụ so với cùng kỳ), trong đó vi phạm trong lĩnh vực quản lý thị trường là 588 vụ, vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng, quản lý lâm sản là 134 vụ. Hiện nay, đã khởi tố 118 vụ/123 bị can.
Về công tác xét xử, giải quyết các vụ việc, vụ án trong 9 tháng năm 2023, Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý, giải quyết 3.289 vụ (trong đó có 626 vụ án hình sự, 484 vụ án dân sự và 63 vụ án kinh doanh thương mại, 97 vụ án hành chính...), riêng án về ma túy tăng 91 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra đối với 27 tổ chức đảng và 55 đảng viên có dấu hiệu vi phạm; thi hành kỷ luật đảng đối với 3 tổ chức đảng và 54 đảng viên vi phạm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận làm rõ kết quả, tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp, công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở nông thôn; dự báo tình hình an ninh, trật tự và một số vấn đề đặt ra như: Tình trạng người dân vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tăng; phát sinh nhiều vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Giải pháp hạn chế vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; những giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, vi phạm pháp luật và các hành vi phạm tội liên quan đến an ninh chính trị trên địa bàn; phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, không để phát sinh khiếu kiện đông người. Các cơ quan nội chính đẩy nhanh tiến độ điều tra, kiểm tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các địa bàn, lĩnh vực, vị trí công tác dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực…; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, các địa phương cần tập trung giải quyết các vụ việc ở cơ sở và không được đùn đẩy các vụ việc liên quan đến khiếu nại, tố cáo liên quan đến tranh chấp đất đai lên cấp tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao những kết quả đạt được của các cơ quan, đơn vị trong khối nội chính, cấp ủy các cấp trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và công tác phòng chống tội phạm.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nhấn mạnh: 3 tháng cuối năm là thời điểm có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cả năm, vì vậy cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban ngành và cơ quan, đơn vị trong khối nội chính cần tiếp tục có các giải pháp toàn diện và cụ thể để khắc phục những tồn tại; chấm dứt tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng, xử lý các vụ việc liên quan đến khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác bảo vệ anh ninh nội bộ, an ninh mạng, an ninh kinh tế; triển khai đồng bộ các biện pháp tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Kiên quyết xử lý tham nhũng, tiêu cực qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo.
Trước những tồn tại, khó khăn cần có sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương để chủ động nắm bắt, xử lý kịp thời và hiệu quả các vấn đề đặt ra. Chủ động phát hiện những vấn đề nổi cộm, nguy cơ phát sinh tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực để có biện pháp phòng ngừa và xử lý đúng quy định. Ban Nội chính Tỉnh ủy tăng cường theo dõi, đôn đốc các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư không để kéo dài gây bức xúc trong dư luận; tiếp tục tăng cường vận động Nhân dân không tham gia các hoạt động tôn giáo trái phép. Các cơ quan nội chính tiếp tục nâng cao hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án, nhất là các vụ án được dư luận quan tâm hoặc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi.