Trong đó đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung và tạo mọi điều kiện cho đổi mới sáng tạo”.
Báo Lào Cai lược ghi bài phát biểu quan trọng này:
Thuận lợi ít, khó khăn, tồn tại còn nhiều
Nhận định tình hình kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển trong 6 tháng đầu năm 2023 và nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nhấn mạnh: “Chúng ta đã trải qua quãng thời gian thuận lợi thì ít, thách thức, khó khăn thì nhiều và thường xuyên”.
Những dẫn chứng được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu ra là những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; xung đột vũ trang ở một số nơi và cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia; chính sách tiền tệ, những điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ; tình hình thời tiết cực đoan như nắng nóng, khô hạn kéo dài tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai.
Về các vấn đề nội tại, chủ quan, Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ: Các chỉ tiêu kinh tế đạt rất thấp so với kế hoạch và cùng kỳ báo cáo. Cụ thể như tăng trưởng kinh tế 6 tháng năm 2023 chỉ đạt 4,65%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn gặp khó khăn; xuất - nhập khẩu hàng hàng hóa đạt thấp; sản xuất công nghiệp vốn là trụ cột của nền kinh tế đang có mức tăng trưởng âm; thu hút đầu tư trầm lắng; công tác quy hoạch chậm.
Nhiều dự án, công trình, nhất là công trình giao thông kết nối bị chậm tiến độ, trong đó có nguyên nhân giải phóng mặt bằng khó khăn, nhiều nơi chưa tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.
Nổi lên trong các vấn đề xã hội là tình trạng tảo hôn, sinh con dưới 18 tuổi có dấu hiệu gia tăng, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nguy cơ, yếu tố phức tạp.
Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra yếu tố đang kìm hãm phát triển là: “Tình trạng đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, chùng xuống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả trong đội ngũ lãnh đạo khi thực thi công vụ”. Một biểu hiện khác được Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nhấn mạnh: “Nhiều nội dung liên quan đến người dân, doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời; vì sợ sai nên tư duy máy móc, thoái thác nhiệm vụ hoặc đùn đẩy trách nhiệm”.
" Lãnh đạo, người đứng đầu một số cơ quan đơn vị chưa gương mẫu, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; không truyền được cảm hứng, tạo được động lực phấn đấu, chưa phải là điểm tựa cho cấp dưới”.
Tỉnh ủy tiếp tục bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá
Sau khi chỉ rõ một số điểm sáng, tích cực, biểu dương cách làm hay, các kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023 và nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong đã đặt ra các yêu cầu, nhiệm vụ cần triển khai trong những tháng cuối năm 2023.
Nhiệm vụ đầu tiên được Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo là công tác cán bộ: “Càng khó khăn càng phải phát huy vai trò, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là từ cơ sở”.
Đồng chí cũng khẳng định: “Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung và tạo mọi điều kiện cho đổi mới sáng tạo”. Về nội dung này, tỉnh đang tập trung nghiên cứu để thành lập trung tâm xúc tiến, đổi mới, sáng tạo của tỉnh.
Để giải quyết điểm nghẽn, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong đặt ra yêu cầu: “Người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan thực sự phải là điểm tựa về kiến thức chuyên môn, bản lĩnh chính trị, ý chí phấn đấu, tinh thần trách nhiệm để cấp dưới noi theo, dám nghĩ, dám làm, dám tham mưu, đề xuất”.
Đi cùng với đó, vai trò của HĐND các cấp cũng cần được nâng lên hơn nữa, nhất là giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Công điện số 280 ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ với 3 nhiệm vụ, bao gồm: Không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan để né tránh trách nhiệm; để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, bị xử lý; kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc.
Thúc đẩy các lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo việc chú trọng đưa nghị quyết của Đảng, nghị quyết của HĐND, nhất là các nghị quyết hỗ trợ nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ Nhân dân, học sinh, giáo viên, người lao động đi vào đời sống; lấy hỗ trợ từ khu vực công để thúc đẩy khu vực tư.
Thu hút mạnh hơn nữa đầu tư vào "4 trụ cột" của nền kinh tế là xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản xuất nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án khai thác, sản xuất công nghiệp; đưa các sản phẩm du lịch mới như sân khấu, thực cảnh vào khai thác; tháo gỡ khó khăn trong khu vực xuất - nhập khẩu hàng hóa.
Với nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu sớm tìm các nguồn thu bù đắp cho khu vực bị thiếu hụt; sớm hình thành các nền kinh tế mới, có tiềm năng phát triển như mô hình “kinh tế đêm” tại các điểm du lịch. Đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.
Những vướng mắc trong công tác thẩm tra, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế, ngành quản lý cần sớm được tháo gỡ để tạo đà cho phát triển.
Nâng cao chất lượng hoạt động HĐND các cấp
Đối với HĐND các cấp, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong chỉ ra nhiệm vụ hàng đầu là phải lựa chọn đúng, trúng những vấn đề bức xúc, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã để tăng cường giám sát, đánh giá. Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ này cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, đổi mới để tiếp tục phát huy nhằm khơi thông sự sáng tạo, tháo gỡ nút thắt về cơ chế, thể chế.
Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ngành, đơn vị có liên quan trong giám sát việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; nhất là các dự án, tiểu dự án thành phần liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh kế, thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyệt đối tránh sự chồng chéo giữa các đoàn kiểm tra, thanh tra, giám sát khác nhau.
Rà soát các nghị quyết, chính sách, cơ chế đã được HĐND các cấp ban hành, nội dung nào còn bất cập, chưa tiếp cận được người dân thì kịp thời điều chỉnh, sớm bãi bỏ. Trong giám sát chuyên đề, HĐND các cấp khi phát hiện những bất cập, tồn tại, kể cả từ phía Trung ương, phía tỉnh, phía địa phương cũng chỉ rõ để có những tham mưu, đề xuất việc tháo gỡ.
Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội - con người
Bí thư Tỉnh ủy chỉ ra rằng, vấn đề phát triển toàn diện văn hóa - xã hội - con người phải được đặt trong mối quan hệ tổng hòa, ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó có việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư thiết chế và xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống.
Cũng trong bài phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 13, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, công tác quốc phòng. Tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách đại đoàn kết, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chính sách tôn giáo, dân tộc để kích động, chia rẽ, phá hoại.
Trong quá trình phát triển khó tránh khỏi những vấn đề nảy sinh song cần được tập trung xử lý, giải quyết như hiện tượng tranh chấp, khiếu kiện; hoạt động tôn giáo trái pháp luật; biểu hiện tiêu cực liên quan đến kinh doanh hàng hóa đa cấp, bảo hiểm nhân thọ, lừa đảo qua không gian mạng.
(*) Đầu đề do Báo Lào Cai đặt