Đây là sự kiện đối ngoại chính trị và kinh tế quan trọng, nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời đề xuất ra những phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại biểu của Việt Nam và Trung Quốc. Về phía Việt Nam có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ…
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai tham dự và phát biểu tại hội nghị.
Về phía Trung Quốc có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba và Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Vân Nam Lưu Hiểu Khải.
Với chủ đề: “Mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố hành lang kinh tế Việt - Trung nhằm phát triển kinh tế trong tình hình mới”, Hội nghị hướng tới mục tiêu tiếp tục phát huy hiệu quả và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các địa phương, đề ra các nội dung hợp tác thực chất, có tính khả thi cao, phù hợp với yêu cầu phát triển và tiềm năng, lợi thế của các bên.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, thời gian qua, với nỗ lực chung to lớn của cả hai bên, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hợp tác trên tất cả các lĩnh vực không ngừng được thúc đẩy và đi vào chiều sâu. Việt Nam nhất quán xác định hợp tác hữu nghị giữa các địa phương hai nước là bộ phận cấu thành quan trọng của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: Các cơ chế hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Vân Nam đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, tăng cường kết nối hạ tầng, mạng lưới giao thông, logistics; đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, củng cố đường biên giới hòa bình, hữu nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai khẳng định: Với vị trí quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lào Cai luôn là cầu nối giữa Việt Nam, các nước ASEAN với miền Tây Nam của Trung Quốc. Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đang thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến kinh doanh thương mại, dịch vụ, xuất - nhập khẩu và du lịch. Theo Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Trung ương đã chỉ đạo xây dựng Lào Cai trở thành "Cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc".
Trên cơ sở những kết quả quan trọng đã đạt sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và những nhận thức chung của hai đồng chí Tổng Bí thư trong Tuyên bố chung tháng 11/2022 về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, tỉnh Lào Cai đề xuất một số nội dung mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trên tuyến hành lang kinh tế Việt - Trung nhằm phát triển kinh tế trong tình hình mới. Đó là:
Phát huy tốt các cơ chế giao lưu, hợp tác đã có giữa các cấp, các ngành, các địa phương đối đẳng của 5 tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, không ngừng làm sâu sắc hơn giao lưu hữu nghị và hợp tác thực chất giữa các tỉnh, thành phố.
Các địa phương tích cực nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế thương mại; phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp hai nước giao lưu và đầu tư sang nhau; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, trong đó có mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu qua các cửa khẩu giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam và tiêu thụ tại khu vực Tây Nam, Trung Quốc. Đề nghị tỉnh Vân Nam quan tâm, báo cáo cơ quan có thẩm quyền đưa Cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu vào danh mục các cửa khẩu chỉ định được phép nhập khẩu nông sản, trái cây từ Việt Nam; nghiên cứu tăng thêm số đôi chuyến tàu liên vận hoạt động hàng ngày để giảm tải cho cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành – Bắc Sơn.
Đề nghị các địa phương tích cực phối hợp thúc đẩy hoàn thành việc triển khai lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Trong đó, tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam tích cực phối hợp với các cơ quan chủ quản hai nước thúc đẩy việc nghiên cứu đầu tư xây dựng đoạn đường sắt kết nối từ ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); tích cực thúc đẩy việc ký kết Hiệp định và Nghị định thư xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) ‑ Bá Sái (Trung Quốc) để sớm khởi công xây dựng công trình.
Tích cực phối hợp với các cơ quan chủ quản hai nước thúc đẩy việc nghiên cứu đầu tư xây dựng đoạn đường sắt kết nối từ ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); tích cực đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hai nước sớm hoàn thành các thủ tục để ký kết Hiệp định và Nghị định thư về việc xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bản Vược (Lào Cai, Việt Nam) - Bá Sái (Vân Nam, Trung Quốc).
Hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam tích cực thúc đẩy xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại biên giới Việt - Trung đã được Chính phủ hai nước ký kết ngày 12/9/2016, trong đó sớm rà soát, thỏa thuận thiết lập các khu (điểm) chợ biên giới; thúc đẩy mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt – Trung; phối hợp triển khai các trình tự quy định để chính thức kéo dài thời gian đóng, mở cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) – Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc); phối hợp thúc đẩy xây dựng mô hình “Cửa khẩu kiểu mẫu” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) – Hà Khẩu (Trung Quốc).
Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X diễn ra trong thời gian 2 ngày (13 đến 14/11) với phiên toàn thể và 3 phiên thảo luận chuyên đề về: Đầu tư, thương mại; văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch; giao thông vận tải, logistics.