Tham gia hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; đại diện phòng văn hóa - thông tin các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, gia đình.
Theo báo cáo đề dẫn, hiện toàn tỉnh có hơn 175 nghìn gia đình, trong đó 85% số hộ đạt “Gia đình văn hoá”, 23% số hộ đạt “Gia đình thể thao”, 75% số hộ được công nhận “Gia đình học tập”; xây dựng và duy trì hơn 50 mô hình Câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã thảo luận, cung cấp các kết quả khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của gia đình trong xây dựng và phát triển văn hóa con người Lào Cai. Đã có 31 bài tham luận được gửi tới và trình bày tại hội thảo, nêu lên những cách làm hay, vai trò quan trọng của gia đình trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giáo dục ý thức đạo đức công dân; giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên trong giai đoạn hiện nay; phát huy hiệu quả công tác dân vận trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, thực hiện tốt công tác chăm sóc trẻ em trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh ở Lào Cai; phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về gia đình và vai trò của gia đình trong phát triển văn hóa, con người Lào Cai…
Thông qua hội thảo nhằm tìm ra yếu tố cốt lõi để gìn giữ và phát huy vai trò của gia đình trong phát triển văn hóa, con người Lào Cai. Từ đó lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình; mô hình gia đình văn hóa, phong trào thi đua và điển hình tiêu biểu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, xây dựng nhân cách con người Lào Cai trong giai đoạn mới… Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh Lào Cai giàu mạnh.