Phát biểu khai mạc tại hội thảo, đồng chí Hứa Tân Hưng, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, Trưởng Ban tổ chức hội thảo nhấn mạnh: Thời gian qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Vai trò của phụ nữ được nâng lên, tham gia nhiều hơn vào các vị trí quản lý, lãnh đạo trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục.
Tuy nhiên, lực lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy, giữ chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng nguồn nhân lực nữ của tỉnh; trình độ, năng lực của một số cán bộ nữ (đặc biệt là cán bộ nữ cơ sở vùng cao, vùng khó khăn) còn nhiều hạn chế; vẫn còn có phụ nữ mặc cảm, tự ti có biểu hiện an phận nên chưa nỗ lực phấn đấu.
Các ý kiến, kinh nghiệm được trao đổi thảo luận của đại biểu tại hội thảo là cơ sở để các đơn vị, các ngành học tập, áp dụng triển khai thực hiện tại địa phương, góp phần mang lại những tác động tích cực, rõ nét trong công tác bình đẳng giới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong công tác bình đẳng giới của tỉnh Lào Cai; những rào cản đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia công tác xã hội; vai trò của phụ nữ trong bình đẳng giới về chính trị; thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ; vai trò của dân vận trong công tác bình đẳng giới; triển khai thực hiện bình đẳng giới trong xây dựng hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh…
Hội thảo tổ chức nhằm đánh giá đúng thực trạng bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề xuất các giải pháp hữu hiệu để phát huy những mặt tích cực, khắc phục hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; góp phần tạo cơ hội cho phụ nữ Lào Cai tham gia hoạt động xã hội, nhất là quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ…