Thực hiện Dự án 8, Hội LHPN xã Vĩnh Yên đã thành lập 2 tổ truyền thông cộng đồng tại các bản Nặm Mược, Nặm Kỳ. Cùng với tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, khắc phục định kiến giới, tổ còn hướng tới bài trừ những tập tục lạc hậu, tiêu cực đối với phụ nữ, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trong các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.
Điển hình như Tổ truyền thông cộng đồng tại bản Nặm Mược, dù mới đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2022 nhưng với sự năng nổ, tích cực của 10 thành viên đã đạt một số kết quả. Nội dung, hình thức truyền thông được chắt lọc, lựa chọn phù hợp với từng đối tượng hướng tới.
Thời gian đầu, tổ truyền thông tập trung tuyên truyền chủ yếu vào trách nhiệm chia sẻ, gánh vác công việc trong gia đình của vợ và chồng; phòng tránh tai nạn, thương tích, đuối nước, xâm hại trẻ em. Tư duy cũ về việc “đàn bà phải lo cơm nước, việc nhà” hay "trọng nam, khinh nữ" dần thay đổi. Không phó mặc cho người phụ nữ như trước đây, một số nam giới đã bắt đầu chia sẻ việc nhà với vợ, cùng chuẩn bị bữa cơm gia đình, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa. Vào các ngày lễ trong tháng 3 vừa qua, không chỉ tạo điều kiện cho vợ tham gia câu lạc bộ bóng chuyền, bóng đá, dân vũ mà một số nam giới còn tham gia cùng vợ.
Chị Hoàng Thị Duân, hội viên phụ nữ bản Nặm Mược phấn khởi cho biết: Ngoài làm nông, giờ đây nhiều chị em phụ nữ còn tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ của bản. Đây là kết quả nổi bật của Tổ truyền thông cộng đồng bản Nặm Mược từ khi thành lập đến nay.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hội LHPN huyện Bảo Yên đã phối hợp với UBND 15 xã thành lập 20 tổ truyền thông cộng đồng tại 20 thôn, bản đặc biệt khó khăn (nâng tổng số tổ truyền thông cộng đồng lên 50) và tổ chức 2 lớp tập huấn trang bị kỹ năng, kiến thức cho các thành viên của các tổ. Ngoài ra, các cấp hội phụ nữ huyện Bảo Yên còn tổ chức 14 hội nghị chuyên đề và chiến dịch tuyên truyền thu hút 1.400 đại biểu, chủ yếu là nữ giới tham gia với nội dung phổ biến, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng chương trình truyền thông qua phương tiện truyền thông đại chúng tại địa phương với nền tảng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Mông, tiếng Dao); duy trì hoạt động 14 đội văn nghệ tại 14 xã vùng Dự án 8.
Bà Ngô Hồng Thắm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bảo Yên cho biết, để quá trình triển khai Dự án 8 thuận lợi nhất, Hội LHPN huyện phân công cán bộ chuyên trách theo dõi quá trình thực hiện để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh. Đồng thời, khi lựa chọn người tham gia tổ truyền thông cộng đồng phải đáp ứng các tiêu chí như: Là người sinh sống trên địa bàn, gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua, xây dựng đời sống văn hóa, lao động sản xuất giỏi. Tổ gồm có cán bộ thôn, cán bộ hội phụ nữ, đại diện Ban công tác mặt trận, đoàn thể và người dân. Các tổ hoạt động trên nguyên tắc tự quản, dân chủ, công khai, minh bạch và tình nguyện.
Thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa, hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng trên mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ hội cũng như thành viên của tổ; đẩy mạnh việc giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ; đa dạng hóa hình thức truyền thông, lồng ghép các nội dung nhằm tăng hiệu quả của mô hình. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện phối hợp với Phòng Dân tộc tham mưu đưa nội dung vào Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi theo từng năm, từng giai đoạn.