LCĐT - Những năm gần đây, mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng. Mô hình kết hợp này tận dụng hiệu quả các phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ sản xuất, giảm chi phí đầu tư và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhiều năm trước, gia đình ông Lê Văn Hiển, thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) phát triển kinh tế từ trồng lúa và chăn nuôi quy mô nhỏ, nên thu nhập không cao. Những năm gần đây, nhờ mở rộng quy mô chăn nuôi, chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang trồng rau, cải tạo đất vườn tạp để trồng cây ăn quả, nên thu nhập tăng đáng kể. Hiện nay, gia đình ông Hiển nuôi mỗi lứa khoảng 50 con lợn. Vì chăn nuôi quy mô lớn, gia đình ông Hiển đầu tư xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, tránh gây ô nhiễm môi trường khu dân cư.
![]() |
Nước sau biogas được tận dụng tưới cho cây ăn quả. |
Tham gia Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh Lào Cai, ông Hiển được hỗ trợ 3 triệu đồng/công trình khí sinh học (hầm biogas), được tham gia tập huấn, hướng dẫn xử lý chất thải chăn nuôi để phục vụ trồng trọt. Toàn bộ phân chuồng sau khi được xử lý qua hệ thống hầm biogas, gia đình ông tiến hành ủ với chế phẩm vi sinh để sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Ngoài ra, năm 2017, gia đình ông tiếp tục được tham gia mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi, sử dụng nước thải sau biogas để tưới tiết kiệm cho cây ăn quả. Từ chăn nuôi lợn, gia đình ông Hiển có khí gas để đun nấu, các phụ phẩm sau biogas như nước thải được tận dụng để tưới cho cây trồng.
Tương tự như ông Hiển, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt tại trang trại của anh Trần Văn Thành, tổ 3, thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng) đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Trang trại chăn nuôi của anh Thành có quy mô 400 con lợn, mỗi tháng cung ứng ra thị trường 70 con lợn thịt. Với quy mô chăn nuôi lớn, anh Thành đầu tư hệ thống hầm biogas để xử lý chất thải, khí gas làm chất đốt phục vụ đun nấu và vận hành hệ thống đèn sưởi ấm cho lợn trong mùa đông. Ngoài chăn nuôi, với diện tích trang trại lên tới 4,5 ha, anh Thành trồng các loại cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi da xanh và thanh long. Khi tham gia mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi, sử dụng nước thải sau biogas tưới tiết kiệm cho cây ăn quả, anh Thành được hỗ trợ hệ thống 2 bể lắng, 1 téc nước, 2 máy bơm và hệ thống đường ống tưới nhỏ giọt dẫn nước thải sau biogas tưới cho cây ăn quả. Phân chuồng, nước thải sau khi được ủ tại hầm biogas, anh Thành tiếp tục xử lý với chế phẩm vi sinh, tận dụng làm phân bón hữu cơ. Anh Thành cho biết: Vì trang trại quy mô lớn, nên ngoài mức hỗ trợ từ dự án, tôi còn đầu tư thêm để phục vụ sản xuất. Phân chuồng ủ vi sinh, nước thải từ công trình biogas cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng, nên hầu như tôi không phải sử dụng phân bón hóa học. Hiện, diện tích cây ăn quả phát triển tốt, tôi cũng đã liên hệ tìm thị trường để xuất khẩu trái cây sang nước ngoài, vì sản phẩm hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn.
Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư mô hình trang trại khép kín kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt để sử dụng triệt để nguồn phân chuồng hữu cơ bón cho cây trồng. Những mô hình trang trại chăn nuôi khép kín này đã áp dụng rất hiệu quả các biện pháp xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi từ ủ chất thải rắn bằng chế phẩm vi sinh, xây dựng bể lắng sau công trình biogas và bể hòa loãng để sử dụng bơm tưới cho cây trồng. Không chỉ cải tạo đất, giúp cây sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh hại cây, nâng cao năng suất cây trồng, các mô hình kết hợp này còn góp phần giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y đánh giá: Các mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao do tận dụng được toàn bộ chất thải chăn nuôi để làm phân bón cho trồng trọt, giảm thiểu chi phí vật tư đầu tư cho sản xuất. Với những trang trại có hầm biogas công suất lớn, lượng khí gas không sử dụng hết có thể được tận dụng để làm hệ thống sưởi hoặc làm năng lượng để chạy máy phát điện. Ngoài ra, những mô hình này cũng giải quyết tốt vấn đề môi trường, tạo tiền đề cho sản xuất hữu cơ trong tương lai, một hướng sản xuất mà ngành nông nghiệp đang hướng đến.