Nhiều người cho rằng đây là cầu vồng tròn, có người lại cho rằng đây là hiện tượng cảnh báo thảm họa, hoặc hiện tượng "tâm linh" "điềm báo".
Thực tế, vầng sáng lớn bao quanh mặt trời không phải là cầu vồng tròn. Quầng mặt trời đơn thuần là kết quả của hiện tượng quang học phổ biến trong tự nhiên gọi là khúc xạ ánh sáng.
Theo ông Đinh Quang Hạnh, Phó Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Lào Cai, hiện tượng quầng mặt trời không phải cảnh báo thảm họa hay thiên tai, thậm chí việc quan sát quầng sáng rõ còn chứng tỏ thời tiết hiện tại diễn ra thuận lợi, khô ráo và bầu trời quang đãng. Quầng sáng xung quanh mặt trời là do khúc xạ, phản xạ và phân tán ánh sáng qua các hạt băng lơ lửng trong các đám mây ti tầng có độ cao lớn gây ra. Quầng sáng này xảy ra khi ánh sáng bị khúc xạ nhiều lần theo góc 22 độ.
"Ngoài quầng mặt trời, quầng mặt trăng cũng thường xuất hiện và phổ biến hơn. Đây không phải những hiện tượng quá hiếm gặp và khó hiểu, càng không phải điềm báo hay dấu hiệu tâm linh nào mà chỉ là hiện tượng thiên nhiên bình thường" - ông Hạnh cho biết thêm.
Thực tế, hiện tượng quầng mặt trời những năm trước cũng từng xuất hiện ở nhiều địa phương. Tùy vào đặc điểm thời tiết từng vùng và từng thời điểm, hiện tượng này có thể kéo dài từ vài phút tới vài giờ, thậm chí vài ngày.
Quầng mặt trời được cho là dấu hiệu sẽ có mưa hoặc dông vì vầng hào quang được tạo ra khi có mây ti ở trên cao, là dấu hiệu cho biết một khoảng không khí ấm đang dịch chuyển đến khu vực đó.
Không khí ấm nói trên sẽ dịch chuyển lên cao trong bầu khí quyển, vượt lên trên khoảng không khí lạnh hơn, tạo ra nhiều mây ở các độ cao khác nhau. Nhiệt độ cao cộng với mây ngày càng dày lên thì có thể có mưa hoặc dông trong 1 - 2 ngày tới.