LCĐT - Cụm 5 cây Sui ở đền Ken được công nhận là Cây di sản Việt Nam từ năm 2017, có niên đại 200 - 300 tuổi. Tuy nhiên, hiện tại có 2 cây đã bị sâu bệnh, không có khả năng tiếp tục sinh trưởng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc bảo vệ cây Sui tại di tích đền Ken (xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn), Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá mức độ sâu bệnh hại và khả năng sống của cây.
Các đơn vị chức năng kiểm tra, đánh giá khả năng sinh trưởng của 2 cây Sui. |
Do tuổi thọ cao và tác nhân môi trường khiến 2 trong cụm 5 cây bị mối, mọt xâm hại dẫn đến mục, rỗng thân cây; cành cây khô héo, không còn lá. Cây Sui bị mối, mọt nặng là cây có niên đại lớn nhất trong cụm.
Thời gian qua, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp cứu cây, xử lý vệ sinh bằng thuốc bảo vệ thực vật để giảm tốc độ hoại tử của cây. Tuy nhiên, theo kết luận của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 2 cây Sui không có khả năng tiếp tục sinh trưởng và có nguy cơ gãy, đổ dẫn đến mất an toàn cho người làm việc tại đền và du khách.
Các đơn vị chức năng kiểm tra, đánh giá kỹ khả năng sinh trưởng của cây. |
Phần ngọn và cành cây đã dần héo khô. |
Phần gốc và thân cây đã bị mục rỗng, nguy cơ gãy, đổ rất cao. |
Các bên đã tiến hành lập biên bản kiểm tra và đề nghị UBND tỉnh đồng ý cho Ban Quản lý di tích và Phát triển du lịch huyện Văn Bàn xây dựng phương án hạ 2 cây Sui để đảm bảo an toàn và đúng quy định.
Các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương bàn giải pháp hạ cây. |