Trên cơ sở các kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành hơn 30 văn bản triển khai, tổng hợp báo cáo; tổ chức phổ biến, tuyên truyền, thông báo tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông qua tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn hè, hội nghị sơ kết, tổng kết chuyên môn hằng năm...
Thực tế cho thấy các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (khối các trường cao đẳng, trung cấp nghề) trong tỉnh hằng năm đều ban hành kế hoạch, nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ, đảng viên, viên chức, đoàn viên, học sinh, sinh viên trong trường học qua các cuộc họp hội đồng sư phạm, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, các buổi sinh hoạt của công đoàn, đoàn thanh niên...
Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, để đảm bảo tài liệu giảng dạy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ thực tế của đơn vị để thực hiện nghiêm túc, bố trí giảng dạy đúng, đủ thời lượng trong môn học Pháp luật.
Thời gian qua, thông qua lớp bồi dưỡng chuyên môn hè, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa một số nội dung, chuyên đề về phòng chống tham nhũng để giáo viên trao đổi, cập nhật; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tạo điều kiện để giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo công tác giảng dạy học sinh, sinh viên trong nhà trường.
Từ năm 2019 đến nay, Trường Cao đẳng Lào Cai thực hiện giảng dạy môn Pháp luật theo Thông tư số 13 ngày 26/9/2018 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành chương trình môn học Pháp luật thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
Ông Trần Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Năm 2020, nhà trường đã biên soạn 2 giáo trình môn Pháp luật nội bộ, trong đó cả hệ đào tạo trung cấp và cao đẳng đều có 2 giờ về nội dung phòng chống tham nhũng theo đúng quy định tại Thông tư số 13. Năm 2021, trường biên soạn 2 ngân hàng đề trắc nghiệm môn Pháp luật. Ngân hàng đề hệ cao đẳng có 25/200 câu hỏi về pháp luật phòng chống tham nhũng; hệ trung cấp có 12/100 câu hỏi về pháp luật phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, nhà trường đã lồng ghép nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình “Sinh hoạt chính trị và định hướng học tập đầu khóa đối với học sinh, sinh viên…
Tại Trường Trung cấp nghề Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, nhà trường đã tích hợp và lồng ghép nội dung phòng chống tham nhũng vào môn học Pháp luật đại cương do Khoa Bộ môn chung của nhà trường đảm nhiệm xây dựng chương trình, tài liệu và giảng dạy, bắt đầu từ năm học 2013 - 2014. Đồng thời, trường đã ban hành quyết định lựa chọn chương trình, tài liệu giảng dạy nội dung phòng chống tham nhũng trong chương trình đào tạo hệ trung cấp nghề.
Cùng với giảng dạy nội dung phòng chống tham nhũng cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học được thực hiện thông qua bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ và bài thi kết thúc học phần với hình thức thi tự luận. Từ năm học 2021 - 2022 đến nay thực hiện thi trắc nghiệm trên máy tính kết hợp với đánh giá mức độ rèn luyện qua hành vi chấp hành nội quy của nhà trường và pháp luật của Nhà nước…
Đến nay, công tác giảng dạy chính trị, pháp luật nói chung và nội dung phòng chống tham nhũng nói riêng đã được UBND tỉnh, các sở, ngành quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Thông qua đó, nhận thức, trách nhiệm trong phòng chống tham nhũng của học sinh, sinh viên được nâng lên.
Theo ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục thực hiện tốt việc bồi dưỡng, tập huấn cho các nhà giáo giảng dạy môn pháp luật, kiến thức pháp luật nói chung và nội dung phòng chống tham nhũng nói riêng. Đồng thời, tích cực đưa nội dung giảng dạy pháp luật, trong đó có nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình học chính khóa không chỉ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh mà cả tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện; tích cực đổi mới phương pháp dạy học môn pháp luật theo quan điểm lấy người học làm trung tâm; gắn lý luận với thực tiễn.
Tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung chủ yếu của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của học sinh, sinh viên trong phòng chống tham nhũng với hình thức sinh động, lôi cuốn, thu hút sự quan tâm của các em bằng các hoạt động ngoại khóa như tổ chức nghe thời sự pháp luật; trực tiếp tham gia các phiên tòa; tham gia tuyên truyền pháp luật; khuyến khích các em tự tổ chức đóng kịch về nội dung pháp luật, tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng chống tham nhũng…