Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Nhân rộng những điểm sáng
Bắc Hà là huyện vùng cao, là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Lào Cai với gần 85% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong giai đoạn 2018 - 2022, trên địa bàn huyện có 303 trường hợp tảo hôn; 523 trường hợp sinh con trước tuổi kết hôn, có những trường hợp mới chỉ 13 - 14 tuổi, tập trung chủ yếu ở một số hộ đồng bào Mông, với 80,3%.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở các địa phương, riêng năm 2023, UBND huyện ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Kế hoạch số 120, ngày 30/3/2023 triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, năm 2023.
Từ đó, tình trạng tảo hôn đã giảm. Nửa đầu năm 2023, toàn huyện có 9 trường hợp tảo hôn, giảm 8 trường hợp so với năm ngoái; không phát sinh trường hợp hôn nhân cận huyết thống nào. Với sự vào cuộc tích cực đó, huyện Bắc Hà phấn đấu chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào năm 2025.
Công cuộc ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Bắc Hà là tấm gương phản ánh bức tranh chung về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên toàn tỉnh. Năm 2023, Lào Cai đặt mục tiêu không còn hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS; giảm 30% số vụ tảo hôn; giảm 30% phụ nữ DTTS dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2022.
Thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục duy trì, xây dựng các mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và giảm số phụ nữ DTTS dưới 18 tuổi sinh con.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường đổi mới các hoạt động tại mô hình để thu hút nhân dân tham gia, nhất là phụ nữ, các thanh thiếu niên và cha mẹ có con là thanh thiếu niên. Tỉnh cũng duy trì thực hiện 17 mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gắn với thực hiện “Dân vận khéo về cải tạo tập quán lạc hậu”.
Ra mắt mô hình điểm về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện Bát Xát.
Nâng cao nhận thức để thực hiện
Từ quan điểm chỉ đạo đó, các ngành, các địa phương đã tích cực vào cuộc triển khai công tác. Điển hình như Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý cho các em học sinh.
Tại buổi truyền thông, các em được nghe các Trợ giúp viên pháp lý phổ biến và giải thích về các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý; về chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước dành cho các đồng bào các DTTS sinh sống trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; giúp các em hiểu chính bản thân các em là một trong 14 nhóm đối tượng được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí; phổ biến những tác hại của tục lệ kéo vợ, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phổ biến các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, về điều kiện kết hôn, độ tuổi kết hôn hay việc chung sống với nhau như vợ chồng…
Em Mùa Seo Mẩy, học sinh trường Trung học cơ sở phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa cho biết: “Em được biết một số bạn mới học lớp 8, lớp 9 nhưng bố mẹ đã giục về đi lấy chồng. Từ kiến thức được trang bị, em sẽ trao đổi thêm với các bạn để các bạn hiểu được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để từ đó phòng, tránh cho thật hiệu quả”.
Huyện Si Ma Cai cũng đang nỗ lực “thanh toán” hôn nhân cận huyết thống và đẩy lùi tảo hôn. Với mong muốn đưa thông tin về cơ sở, mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai phối hợp với huyện Si Ma Cai, tổ chức hội nghị tập huấn về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Lùng Thẩn. Các học viên được giảng viên truyền đạt nội dung về thực trạng, hậu quả, nguyên nhân và các biện pháp can thiệp để phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, kỹ năng và phương pháp truyền thông trực tiếp, cách thức xây dựng và triển khai các hoạt động tại mô hình điểm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, kỹ năng tổ chức các hoạt động tập thể, sân khấu hóa… Những thông tin này hết sức hữu ích để thay đổi quan niệm về hôn nhân của một bộ phận đồng bào DTTS.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, những tín hiệu đáng mừng từ đầu năm đến nay cho thấy, Lào Cai hoàn toàn có thể “xóa sổ” tình trạng hôn nhân cận huyết thống ngay trong năm nay, cùng với đó là từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn.