1. Bóng đá phổ biến trên khắp thế giới, nhưng có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng châu Âu là nơi thành công nhất, xét về mọi mặt.
Tranh luận giữa Kylian Mbappe và Lionel Messi về EURO với World Cup hoàn toàn không phù hợp với thực tế của các giải đấu.
Pháp vào chung kết 2 kỳ World Cup gần nhất, nhưng thua ở vòng 1/8 EURO 2020
EURO là cuộc tranh tài trong phạm vi một châu lục, nơi các đội tuyển quá hiểu nhau và có nền bóng đá chuyên nghiệp hơn bất kỳ khu vực nào khác.
Ngược lại, World Cup vượt qua khía cạnh của ngày hội thể thao đơn thuần. Sự kiện bóng đá thế giới mỗi 4 năm một lần mà FIFA tổ chức quy tụ những nét văn hóa, bản sắc và tinh thần khác nhau, làm nên sức hấp dẫn đặc biệt.
Có một sự thật: bóng đá là một tài sản văn hóa ở châu Âu, nơi nó bén rễ vững chắc kể từ khi xuất hiện vào giữa thế kỷ 19 nhờ phong trào lao động.
2. Các CLB châu Âu không có đối thủ, dựa trên thành công trên đấu trường quốc tế và giá trị thương mại.
Trong cùng một mùa hè, 7 quốc gia Đông Nam Á đã mua bản quyền truyền hình trực tiếp EURO 2024 (Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam). Trong khi đó, mới chỉ Indonesia nắm giữ bản quyền Copa America 2024).
Những ngôi sao Nam Mỹ, cũng như các khu vực khác, để phát triển sự nghiệp và có thu nhập ổn định đều chuyển đến Lục địa già.
Về điểm này, chính Messi hiểu rõ, khi bản thân phải rời quê nhà từ khi còn nhỏ để sang Barcelona. Tại đó, anh được điều trị để từ một cậu bé mắc chứng thiếu hụt hormone tăng trưởng hiếm gặp trở thành cầu thủ giành nhiều Quả bóng vàng nhất lịch sử (8 lần).
Ở cấp độ ĐTQG, ngoài 3 ông lớn Nam Mỹ là Brazil, Argentina và Uruguay, bóng đá châu Âu có 5 nhà vô địch thế giới (8 đội thay phiên nhau giữ Cúp vàng).
Ngoài ra, 10 đội tuyển châu Âu từng lọt vào chung kết trong 22 kỳ World Cup đã diễn ra. Không có đại diện Nam Mỹ nào khác, ngoài 3 đội kể trên, đi đến trận cuối cùng.
Na Uy và Thụy Điển với nhiều ngôi sao ở Premier League không được dự EURO 2024
3. EURO 2024 có 24 đội tuyển tranh tài, sau khi vượt qua giai đoạn vòng loại gồm 53 đội. Có vẻ như rất nhiều nếu nhìn về mặt tỷ lệ.
Thế nhưng, Thụy Điển, đội vào chung kết World Cup 1958, và Hy Lạp, nhà vô địch EURO 2004, không vượt qua được vòng loại.
Điều tương tự cũng xảy ra với Na Uy, đội tuyển có 2 ngôi sao quan trọng trong thành phần nhà vô địch và á quân Premier League 2023-24 - Erling Haaland (Man City) và Martin Odegaard (Arsenal).
Mặt khác, 2 trong số 5 nhà vô địch World Cup gần nhất là Italy và Tây Ban Nha nằm chung một bảng. Cùng bảng B với họ còn có Croatia - á quân và hạng Ba trong 2 kỳ World Cup vừa qua.
Trong một câu chuyện khác, chủ nhà Đức cùng với Hungary cũng sẽ tái hiện trận chung kết World Cup 1954, ở lượt thứ 2 bảng A vào ngày 19/6.
Nếu World Cup là sự hấp dẫn của đa dạng văn hóa, thì "EURO vẫn là giải đấu có tính cạnh tranh mạnh mẽ nhất", như lời của Phillip Lahm - người đeo băng đội trưởng trong trận Đức thắng Brazil 7-1, thắng tiếp Argentina 1-0 trong trận chung kết tại Maracana để vô địch World Cup 2014 - Trưởng BTC EURO 2024.