Trong cuộc sống, đôi khi người ta cũng rơi vào hoàn cảnh túng thiếu tiền bạc và rất cần một khoản tiền mặt để chi dùng gấp. Tuy nhiên, một người bình thường, có cuộc sống và quan hệ lành mạnh sẽ rất hiếm khi tìm đến dịch vụ "hỗ trợ tài chính” để vay tiền.
Đơn giản vì vay xong sẽ khó có thể chịu nổi mức lãi suất cho khoản vay của mình! Vậy ai là khách hàng của dịch vụ "cắt cổ” ấy, họ vay tiền để làm gì? Đa số người vay tín dụng "đen” đều chi tiêu số tiền vay một cách không lành mạnh như cờ bạc, số đề, cá độ bóng đá hoặc tổ chức ăn chơi trác táng.
Trao đổi với lực lượng cảnh sát phòng chống tệ nạn xã hội được biết: Có thể người cho vay đã từng có "thành tích” bất hảo nhưng người đi vay đều tự tìm đến dịch vụ hỗ trợ tài chính khi đã biết rất rõ hậu quả của việc vay tiền. Đôi khi còn biết chắc mình không bao giờ có tiền để trả cả gốc và lãi.
Đã trở thành quy luật, dịp cuối năm, nhiều vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh; trong đó, vay nợ luôn là câu chuyện phổ biến nhất. Hãy duy trì cuộc sống sinh hoạt trong sáng và tổ chức sản xuất, kinh doanh lành mạnh. Nếu muốn vay tiền thì chỉ nên tìm đến người thân, bạn bè hoặc các ngân hàng thương mại. Đừng sống buông thả, càng không nên vướng vào tệ nạn xã hội để rồi phải tìm đến tín dụng "đen”! Điều đó chẳng khác gì tự đưa chân mình vào bẫy rồi chịu cảnh khuynh gia, bại sản, gia đình tan nát.
Rất nhiều vấn đề xã hội phức tạp đã và đang nảy sinh quanh câu chuyện "cầm đồ”, "cho vay nặng lãi” và "hỗ trợ tài chính”, trong khi các ngành chức năng chưa thể có biện pháp quản lý chặt chẽ, hữu hiệu thì mỗi người, mỗi gia đình phải có biện pháp tự bảo vệ, đừng sa đà vào những cuộc chơi, đừng mắc tệ nạn xã hội.
Lê Xuân Trường