Hiện nay, trên mạng xã hội tiếp tục tái diễn thủ đoạn lừa đảo lấy lại tiền treo. Các đối tượng đã tạo các trang fanpage với tên gần giống với các đơn vị luật sư, cơ quan chức năng nhằm lừa đảo rằng có thể hỗ trợ người dân lấy lại tiền treo. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chỉnh sửa, lồng ghép nội dung lừa đảo lấy lại tiền treo trong chính những video cảnh báo lừa đảo do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.

Từng bị lừa mất 23 triệu đồng bởi thủ đoạn làm nhiệm vụ qua ứng dụng giả mạo, người phụ nữ được một người lạ nhắn tin tiếp cận, chia sẻ cũng từng bị lừa với thủ đoạn tương tự và đã lấy lại được tiền treo nhờ một luật sư có tiếng. Mong muốn lấy lại số tiền đã mất, chị đã nhanh chóng nhắn tin tìm sự hỗ trợ với người được cho là luật sư này.
"Người ta chụp cả thẻ luật sư, cả căn cước. Bên luật sư họ cũng hỏi mình bị lừa thế nào, mình truy cập vào đâu, có giữ những bill chuyển khoản lại không, gửi cho họ xem. Người ta hỏi nhiệt tình, em không có cảm giác nghi ngờ gì", nạn nhân bị lừa đảo lấy lại tiền treo cho biết.
Tất nhiên, không có gì là miễn phí, luật sư mạo danh này yêu cầu người phụ nữ đóng khoản phí 3 triệu đồng với lý do để giải ngân số tiền bị treo. Hứa hẹn sau khi giải ngân xong sẽ được hoàn lại khoản phí này cùng toàn bộ số tiền bị treo trước đó.
"Khi em đã chuyển 3 triệu rồi thì họ bảo em làm sai cú pháp, giờ phải chuyển thêm 3 triệu nữa. Lát họ sẽ cộng 6 triệu vào tiền treo, họ trả lại cho em. Lúc đó em biết em bị lừa rồi nên em không làm nữa", nạn nhân bị lừa đảo lấy lại tiền treo cho biết thêm.
Tìm kiếm cụm từ khóa "lấy lại tiền treo" trên mạng xã hội, không khó để thấy các trang fanpage mạo danh lấy tên gần giống với các đơn vị luật sư, cơ quan chức năng thu hồi vốn treo. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng trí tuệ nhân tạo để chỉnh sửa, lồng ghép nội dung lừa đảo hỗ trợ lấy lại tiền treo trong chính những video cảnh báo lừa đảo của Đài Truyền hình Việt Nam.
Đây hoàn toàn là những video giả mạo được dựng lên bởi tội phạm công nghệ cao nhằm cung cấp thông tin sai lệch, chiếm đoạt tài sản của người dân. Các đối tượng còn liên tục chạy quảng cáo để các bài viết lừa đảo xuất hiện thường xuyên hơn trên không gian mạng.
"Từ một hình ảnh tĩnh người ta có thể tạo ra những video clip động một cách dễ dàng, từ một video clip, người ta có thể nối dài để tạo ra những thứ tiếp theo không có thật, hay thậm chí từ một đoạn âm thanh có thể tạo ra một MC. Vì vậy chuyện chế tạo, chỉnh sửa video, thêm bớt nội dung bây giờ trở thành một chuyện rất dễ dàng, gần như ai cũng có thể làm được nếu biết sử dụng trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, chúng ta phải rất cảnh giác", ông Lê Công Thành (Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ Chọn lọc thông tin) cảnh báo.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, "lừa đảo thu hồi tiền treo" là 1 trong 7 hình thức lừa đảo mạng phổ biến nhất tại Việt Nam. Tuy không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người dân vẫn mắc bẫy bởi tâm lý nhẹ dạ cả tin, mong muốn lấy lại số tiền đã mất.
Theo luật sư, người dân chỉ có thể lấy lại số tiền bị lừa khi cơ quan chức năng đã bắt giữ được đối tượng lừa đảo và thu hồi tài sản. Vì vậy, người dân cần trình báo trực tiếp với cơ quan điều tra hay công an cấp xã/phường khi bị lừa đảo trên không gian mạng; cảnh giác trước những cuộc gọi, tin nhắn hay thông tin chưa xác thực, bởi bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.