Đũa truyền thống của người Tày

LCĐT - Trước kia, trong nhà của đồng bào Tày đều có ít nhất 1 người biết vót đũa, chủ yếu để sử dụng trong gia đình. Đến nay, đũa của người Tày còn được biết đến là một sản phẩm truyền thống dùng làm quà tặng, trao đổi, mua bán, giúp người dân thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Đũa sắt, đũa nhựa bán sẵn trên thị trường dễ dàng mua và sử dụng tiện lợi nên số người biết làm đũa tre, vầu ngày càng ít. Ông Lương Văn Đông ở thôn Tông Hốc, xã Dương Quỳ (Văn Bàn) là một trong số ít người còn làm đũa truyền thống. Những lúc nông nhàn, ông lên rừng chặt tre, vầu và tỉ mẩn vót đũa. Trong nhà ông Đông luôn có sẵn hàng trăm đôi đũa truyền thống.

Sử dụng đũa truyền thống phản ánh tập quán của người Tày.
Sử dụng đũa truyền thống phản ánh tập quán của người Tày.

Đũa của người Tày chủ yếu vót bằng tre hoặc cây vầu già. Những cây được dùng làm đũa không cần quá to, nhưng lóng thẳng, không cong, vênh, thớ nhẵn, thịt đầy, ruột đặc. Khi chặt lấy sống dao gõ vào cây nghe có tiếng coong coong thì mới chuẩn là tre hoặc vầu già. Mỗi cây chỉ nên lấy những lóng dưới gốc và có thể vót được vài chục đôi đũa.

Tre hoặc vầu sau khi lấy trên rừng về được chặt thành khúc khoảng 30 cm, sau đó chẻ nhỏ và vót thành từng chiếc đũa. Đũa thường được vót tròn, một đầu to và thuôn nhỏ dần về đầu gắp thức ăn. Các công đoạn làm đũa đều được làm thủ công.

Sau khi đã vót được những đôi đũa đều và đẹp, một công đoạn rất quan trọng là nhuộm đũa. Người Tày thường nhuộm đũa bằng nghệ vàng hoặc lá cơm đỏ. Nghệ và lá rừng sau khi giã nhuyễn, vắt lấy nước sẽ cho ra màu vàng và đỏ đặc quánh. Đũa cho vào ngâm trong nước nghệ hoặc nước lá cơm 1 đêm, sau đó mang ra phơi nắng đến khi khô đũa. Công đoạn này lặp đi lặp lại khoảng 3 lần cho đến khi màu bám chắc vào đũa, như vậy màu của đũa mới bền, không bị mối, mọt. Đũa sau khi đã khô và bám màu sẽ được gói kỹ bằng giấy hoặc lá dong khô, cất ở nơi thoáng mát và mang ra dùng dần.

Đũa truyền thống phản ánh tập quán, văn hóa của người Tày.
Đũa truyền thống phản ánh tập quán, văn hóa của người Tày.

Theo phong tục của người Tày, đũa phải dài khoảng 30 cm. So với đũa gia công bán trên thị trường thì đũa của người Tày dài hơn. Ông Đông cho biết: Người Tày làm đũa như vậy vì theo phong tục từ xa xưa, gia đình người Tày thường đông con, mâm cơm nhiều người nên dù ở xa mâm nhưng với đôi đũa dài sẽ giúp chủ nhân kiểm soát tốt các món ăn không ở gần. Vậy nên, đôi đũa truyền thống không đơn giản là vật dụng để gắp thức ăn, mà còn phản ánh tập quán, văn hóa của người Tày.

Trước kia, người Tày thường tranh thủ ngày nông nhàn hoặc ngày mưa to sẽ ở nhà vót đũa, khi nắng mang đũa ra phơi. Trong mỗi gia đình của đồng bào Tày luôn có sẵn vài trăm đôi đũa, khi nhà có hiếu, hỉ, số đũa đó sẽ đủ để sử dụng. Ngày nay, tuy chỉ còn vài người cao tuổi biết vót đũa, nhưng người Tày vẫn giữ truyền thống tặng đũa nhau vào dịp rằm hoặc Tết. Ông Đông chia sẻ: Khi rảnh rỗi, tôi vót đũa rồi chia cho hàng xóm, con, cháu mỗi nhà vài chục đôi. Thời gian gần đây, nhiều người biết tôi vót đũa đẹp nên đã đặt mua, nhờ đó tôi có thêm thu nhập.

Không chỉ ông Đông, hiện nay một số người Tày cũng tận dụng thời gian nông nhàn vót đũa bán để nâng thêm thu nhập, đồng thời góp phần quảng bá nghề truyền thống của người Tày.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Những “gia đình nhỏ, hạnh phúc to”

Những “gia đình nhỏ, hạnh phúc to”

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình hạnh phúc, bình an là những "viên gạch" xây nên xã hội, quốc gia phát triển, hùng cường. Ở vùng cao Lào Cai, dẫu cuộc sống còn nhiều gian khó, nhưng trong mỗi nếp nhà, trên ngọn núi, lưng đồi luôn ngập tràn những tiếng cười hạnh phúc.

Ngọt ngào hương cau

Ngọt ngào hương cau

Hoa cau thường nở vào cuối Xuân đầu Hạ hằng năm. Hoa cau trắng ngà mang vẻ đẹp độc đáo, quyến rũ và hương thơm dịu ngọt, ngan ngát theo làn gió thổi, len lỏi vào từng con ngõ, đường quê, mảnh vườn... 

Ngày hội "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng"

Ngày hội "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng"

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” sẽ diễn ra từ ngày 25 - 29/6 tại Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh Hải Phòng (thành phố Hải Phòng) với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Người Dao ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát hiện vẫn lưu giữ được nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề chạm khắc bạc. Các sản phẩm bằng bạc được chế tác tinh xảo, tỉ mẩn đã góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao.

Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh cố đô Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới

Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh cố đô Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi"

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi"

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi" là nhan đề một bài viết được hãng thông tấn Prensa Latina đăng tải ngày 7/5 nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân ta.

fb yt zl tw