Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa sôi động trở lại nhưng với tinh thần chia sẻ, Agribank Chi nhánh Sa Pa đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; tích cực đồng hành với địa phương phục hồi, phát triển kinh tế.
"Agribank Chi nhánh Sa Pa luôn khẳng định vai trò chủ lực về tín dụng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và đã trở thành địa chỉ tin cậy được các doanh nghiệp, nông dân gửi gắm, tin tưởng suốt nhiều năm qua" - Giám đốc Agribank Chi nhánh Sa Pa Trần Thị Thanh Phương cho biết.
Năm 2024, bám sát chỉ tiêu đã được ngân hàng cấp trên giao, cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thị xã, Agribank Chi nhánh Sa Pa đã triển khai quyết liệt các giải pháp, đặc biệt trong công tác tín dụng khách hàng. Đến cuối năm 2024, tổng dư nợ cho vay của Agribank Chi nhánh Sa Pa đạt trên 1.600 tỷ đồng, tăng 15,5% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 65% tổng dư nợ; còn lại là cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn, thương mại, dịch vụ…
Để triển khai hiệu quả nguồn vốn ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, Agribank Chi nhánh Sa Pa đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp và tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thị xã, triển khai kịp thời nguồn vốn cho các đối tượng khách hàng, với các chương trình: cho vay phát triển nông nghiệp hàng hoá theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay thuộc lĩnh vực lâm sản, thủy sản...
Nhờ thuận lợi tiếp cận nguồn vốn, đến nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung được người dân, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai, nhân rộng, như: nuôi cá nước lạnh, trồng cây dược liệu, rau rau chính vụ - rau trái vụ… qua đó góp phần gia tăng giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác. Cùng với đó, bà con mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc để thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, giúp giảm sức lao động, mang lại hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, để giúp khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây ra, Agribank Chi nhánh Sa Pa đã cử cán bộ xuống trực tiếp kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại để có phương án hỗ trợ.
Ông Lý Quẩy Dảo, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cho biết: Hiện nay, Agribank Chi nhánh Sa Pa đang tạo điều kiện cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, với tổng dư nợ trên 99 tỷ đồng. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, nuôi cá nước lạnh, từng bước vươn lên làm giàu.
Giám đốc Agribank Chi nhánh Sa Pa Trần Thị Thanh Phương cho biết thêm: Nguồn vốn của ngân hàng thật sự quan trọng đối với các đối tượng khách hàng, nhất là trong thời điểm thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, đối với khách hàng bị thiệt hại, chúng tôi hỗ trợ cũng như cho vay mới để khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất; đối với khách hàng có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, đơn vị tích cực hỗ trợ để tiếp cận nguồn vốn đầu tư.
Bên cạnh phát triển cho vay khách hàng cá nhân, Agribank Chi nhánh Sa Pa cũng đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp, hợp tác xã với phương châm phát triển các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng cân bằng giữa khách hàng doanh nghiệp - khách hàng cá nhân, hộ sản xuất. Agribank Chi nhánh Sa Pa tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn, kịp thời. Đồng thời thực hiện tư vấn, hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như chia sẻ, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Agribank Chi nhánh Sa Pa cũng triển khai mạnh mẽ hoạt động dịch vụ ngân hàng tiện ích, nhất là dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, như: ngân hàng điện tử e-banking thanh toán qua QR code... góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian tới, Agribank Chi nhánh Sa Pa tiếp tục bám sát chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, của tỉnh, tập trung ưu tiên cho vốn vay nông nghiệp, nông dân và nông thôn, bảo đảm tất cả khách hàng đủ điều kiện vay, có nhu cầu vay đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời về vốn; tăng cường công tác kiểm tra trước và sau khi vay, giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn vay để nâng cao hiệu quả nguồn vốn.