Gia đình chị Vũ Thị Dung là hộ nghèo ở thôn Đồng Căm, xã Lùng Vai (Mường Khương). Chồng mất, 4 mẹ con chị Dung phải chuyển về sống cùng mẹ ruột. Gia đình 5 người sống trong căn nhà gỗ chật hẹp, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên cuộc sống rất khó khăn. Khi Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được triển khai, năm 2022, gia đình chị Dung được hỗ trợ 55 triệu đồng để xây nhà. Sau thời gian thi công, căn nhà xây cấp 4 của gia đình đã dần hoàn thiện. Chị Dung tâm sự: Được chương trình hỗ trợ làm nhà, tôi rất mừng, phấn khởi và mong có thêm nhiều phụ nữ nghèo được hỗ trợ như thế.
Do không có vốn phát triển sản xuất, trước đây, nhiều chị em ở các thôn, bản biên giới chỉ biết làm nương, trồng ngô, sắn. Từ khi được Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ mô hình lợn giống, nhiều chị em đã có nguồn sinh kế lâu dài.
Gia đình chị Trần Thị Hồng, ở thôn Tân Long, xã Cốc Mỳ (Bát Xát) thuộc hộ cận nghèo. Chồng chị Hồng sau khi bị tai nạn giao thông, sức khỏe yếu, cả gia đình quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Mặc dù điều kiện đất đai và nguồn thức ăn chăn nuôi dồi dào, nhưng để có tiền mua con giống lại là điều không dễ đối với gia đình chị. Vừa qua, được chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ 10 triệu đồng, chị Hồng đã mua 4 con lợn giống. Đàn lợn sinh trưởng tốt, trở thành tài sản giá trị đối với gia đình. Chỉ một thời gian nữa, đàn lợn xuất chuồng, sẽ đem về nguồn thu nhập đáng kể, giúp cải thiện cuộc sống của gia đình chị.
Tỉnh Lào Cai có 12 xã biên giới được chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ, gồm Y Tý, Trịnh Tường, A Lù, Cốc Mỳ (Bát Xát), Nàn Sán (Si Ma Cai), Tung Chung Phố, Nậm Chảy, Lùng Vai, Tả Ngải Chồ, Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu (Mường Khương). Hằng năm, Hội Phụ nữ tỉnh đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ, kết nối giữa các đơn vị được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phân công giúp đỡ tại các xã biên giới và tiếp nhận hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để triển khai các hoạt động đạt hiệu quả, tạo cơ hội, điều kiện để hội viên, phụ nữ vùng biên giới gặp nhiều khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Hội Phụ nữ tỉnh đã khảo sát, nắm thực trạng, nhu cầu của hội viên để kết nối với các đơn vị, như Hội Phụ nữ tỉnh Thái Bình và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình; Hội Phụ nữ tỉnh Ninh Bình và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình; Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Hội Phụ nữ Bộ Công an; Ban Tuyên giáo - Chính sách Luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Công ty Hải Phương (Hà Nội), Nhà văn hóa Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh… triển khai các hoạt động hỗ trợ.
Mặc dù thời gian triển khai chưa dài, nhưng những kết quả đạt được đã tạo được sức lan tỏa, huy động nguồn lực xã hội, khơi dậy được sự sẻ chia, nhằm hỗ trợ, tạo động lực để phụ nữ vùng biên vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống.Thời gian tới, Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục triển khai sâu rộng nhằm lan tỏa chương trình, tạo nguồn lực chăm lo cho phụ nữ vùng biên giới.
Nhờ chương trình, nhiều gia đình phụ nữ khu vực biên giới không chỉ có nhà mới để ở, việc làm ổn định, mà còn được nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội.