Chúng ta kiên cường trước mọi đối thủ, từ những diễn biến phức tạp, khó lường của thế giới, những thách thức an ninh phi truyền thống. Nhưng khi đối mặt với thiên tai thì những giọt nước mắt của các nhà lãnh đạo, của hàng trăm người dân đã phải rơi. Vì những hậu quả quá nặng nề, đau thương quá to lớn.
Phận người mong manh
Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới. Đất nước có hình chữ S với bờ biển dài 3.440 km, vị trí địa lý độc đáo nằm trong vành đai gió mùa Đông Nam Á. Thiên nhiên ưu ái đã ban tặng cho Việt Nam nhiều cảnh đẹp, nhiều dạng địa hình khác nhau. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa chúng ta sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi chính những “đặc ân” đó như: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất…
Thiên tai cứ mỗi năm lại đôi ba lần… Dần dần đã trở thành một phần của cuộc sống người dân. Nhưng càng ngày, sự khắc nghiệt của thiên tai càng lớn, những mất mát càng đau thương.
Khi những cơn cuồng phong, bão lũ xuất hiện, mọi sự chuẩn bị của con người dường như trở nên vô nghĩa. Những con sóng cao hàng chục mét đã nhấn chìm cả một ngôi làng ven biển trong chớp mắt. Những dòng nước lũ cuồn cuộn kéo theo bùn đất và gỗ đá có thể quét sạch cả một làng chỉ trong vài giờ. Những ngôi nhà, công trình kiên cố, dù được xây dựng với bao nhiêu kỹ thuật hiện đại, cũng không thể đứng vững trước sự hung dữ của thiên nhiên.
Những cánh đồng xanh mướt bỗng chốc trở thành biển nước. Những ngôi làng bình yên chìm trong đổ nát, những gia đình tan tác, ly tán bởi cơn thịnh nộ của tự nhiên. Phận người trong những tình cảnh này mong manh hơn bao giờ hết. Khi đó, chúng ta nhận ra rằng mình chỉ là một phần rất nhỏ bé giữa thế giới tự nhiên bao la. Đó là khi ta nhìn thấy những tiếng khóc nghẹn của những người mạnh mẽ nhất bởi tang thương, bởi sự bất lực.
Dù đã rất cố gắng trong dự báo, tổ chức tốt nhất những phương án đề phòng nhưng người đứng đầu Chính phủ vẫn phải bật khóc khi nói về mất mát của người dân. "Chúng ta đã nỗ lực hết mình. Chúng ta đã tìm phương án tốt nhất trong các phương án có thể, chúng ta tìm cái còn trong cái mất... Song mất mát không gì có thể bù đắp được là tính mạng và tinh thần của người dân, những gia đình có người thân thiệt mạng", Thủ tướng nói khi chủ trì hội nghị khắc phục hậu quả bão Yagi, sáng 15/9.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, ông Trịnh Xuân Trường cũng đã nghẹn ngào, mắt đỏ hoe khi chứng kiến người dân tử vong trong trận lũ quét nghiêm trọng: “Gần 100 năm nay, lần đầu tiên số lượng người tử vong trên toàn bộ địa bàn tỉnh nhiều đến vậy. Trên 50 người tử vong, 65 người mất tích. Thời điểm này, Lào Cai quyết tâm đoàn kết với lực lượng Trung ương để tìm kiếm và sớm tìm ra cách ổn định cuộc sống cho người dân”.
Chính những lúc như vậy, chúng ta mới thấy rõ giá trị của tình người và sự gắn kết cộng đồng. Đó là hình ảnh những người lính Cụ Hồ, những chiến sĩ công an, quân đội, những tình nguyện viên... vượt mưa gió đến giúp dân gia cố lại nhà, dựng lều trại. Sơ tán người dân đến nơi an toàn trong ngày gió bão.
Tất cả hệ thống chính trị vào cuộc như đội ngũ các y, bác sỹ cũng đã tới tận vùng “rốn” lũ để cứu chữa người kịp thời. Những người lính cứu hộ bới đất để cứu người bị vùi do sạt lở. Màu áo xanh tình nguyện có mặt khắp các tuyến đường, từng bản làng, cùng nhân dân dọn dẹp, khắc phục các điểm xung yếu, sạt lở...
Hàng trăm, hàng nghìn những chuyến xe thiện nguyện của các nhà tổ chức, các ban ngành, cơ quan, những nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức lăn bánh mỗi ngày. Những chuyến xe nối tiếp những chuyến xe, những ân tình viết tiếp những ân tình mang đến cho bà con vùng thiệt hại nặng những nhu yếu phẩm cần thiết để giúp người dân vơi bớt phần nào khó khăn sau khi bão, lụt đi qua.
Chung tay kiến thiết cuộc sống mới
Những hậu quả của thiên tai không chỉ là tổn thất tức thời mà còn để lại hậu quả kéo dài về kinh tế và xã hội. Việc khôi phục và tái thiết lại đòi hỏi nguồn lực khổng lồ, trong khi nền kinh tế của những khu vực chịu ảnh hưởng lại rơi vào tình trạng đình trệ. Nhiều gia đình mất đi sinh kế, nông dân mất mùa màng, và doanh nghiệp bị tê liệt hoạt động.
Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về khắc phục hậu quả siêu bão số 3, ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng với 6 nhóm giải pháp chính.
Đó là tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương. Bố trí chỗ ở tạm thời cho người bị mất nhà, có nhà hư hỏng, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch cho người dân; cứu chữa người ốm đau. Rà soát, thống kê thiệt hại của nhân dân và Nhà nước, hỗ trợ ngay cho người dân bị thiệt hại, cố gắng ổn định tại chỗ như bố trí chỗ ở tại nhà văn hóa thôn, bản, cơ sở của công an, quân đội trên địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa; điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát. Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thu ngân sách, cung ứng xăng dầu, điện nước; sử dụng hiệu quả tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả, chống tham nhũng, lãng phí, trục lợi; cung ứng đủ hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh; kiểm soát giá cả, không để găm hàng, đội giá, tranh thủ lúc khó khăn để trục lợi; tập trung làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình địa phương; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Nhóm nhiệm vụ cũng rất quan trọng Thủ tướng yêu cầu là giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự cường. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tích cực, chủ động tổ chức thực hiện đúng, trúng, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn nói trên.
Trên con đường về với làng Nủ xa xôi của người dân tộc Tày, Dao ngày hôm nay, chúng ta thấy rõ tinh thần đoàn kết một lòng của dân tộc Việt Nam. Điều đó sẽ giúp bà con vượt lên tất cả khó khăn, hướng về một tương lai tươi sáng.
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị của địa phương, bộ ngành và giao các cơ quan xử lý, những việc cấp bách, trước mắt thì phải hoàn thành sớm những việc lâu dài cần chuẩn bị, báo cáo cấp có thẩm quyền thì nỗ lực hoàn thành trong năm nay.