Trả lời: Căn cứ điểm g khoản 1 điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Cụ thể là sẽ được hưởng các quyền lợi quy định tại điểm c, g, h khoản 1 điều 6 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
Thứ nhất, hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động và quyền lợi, chế độ khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập, tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động.
Thứ hai, không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Thứ ba, nộp thuế, tham gia bảo hiểm xã hội, hình thức bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động.
Cụ thể, theo điểm b khoản 2 điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, phương thức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
- Phương thức đóng được thực hiện 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong đó, người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo phương thức quy định tại điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hoặc truy nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội sau khi về nước.
Như vậy, khi bạn đi làm việc ở nước ngoài theo diện xuất khẩu lao động, bạn vẫn được tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi làm việc ở nước ngoài vẫn được cộng dồn vào thời gian bạn đã đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.
Trường hợp đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, bạn sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi, chế độ của bảo hiểm xã hội giống người lao động ở Việt Nam theo quy định của pháp luật.