Tại dự thảo (lần thứ 4) Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến có nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý có quy định về ô tô nói chung và ô tô cá nhân nói riêng phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Cụ thể, tại Khoản 2, Mục 1, Điều 33, quy định: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Theo quy định hiện hành, việc lắp thiết bị giám sát hành trình được áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải. Trong đó, chỉ có xe chở hành khách hoặc xe chở hàng hóa hạng nặng (xe đầu kéo, xe container) mới bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát.
Sẽ có khoảng gần 4 triệu ô tô cá nhân phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Với đề xuất mới này, nếu dự thảo luật được Quốc hội thông qua thì đồng nghĩa với việc không chỉ xe ô tô kinh doanh vận tải mà ô tô cá nhân, xe máy chuyên dùng cũng bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình.
Theo thống kê của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cả nước hiện có hơn 1 triệu xe kinh doanh vận tải, chiếm 1/4 tổng số xe ô tô hiện có đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Như vậy sẽ có gần 4 triệu ô tô còn lại (xe cá nhân) sẽ phải lắp đặt thiết bị này.
Trưa 18/9, trao đổi với PV VietNamNet, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc lắp camera giám sát hành trình với ô tô nói chung và xe cá nhân nói riêng sẽ tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ để quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát trật tự giao thông sẽ tạo sự minh bạch, khách quan, toàn diện.
Đồng thời trong một số trường hợp, camera giám sát hành trình giúp bảo vệ quyền lợi của người điều khiển phương tiện. Do đó, toàn bộ phương tiện được gắn camera thì trật tự xã hội sẽ được giám sát một cách đầy đủ hơn.
Tuy nhiên, ông Tạo cũng lưu ý đến tính khả thi của đề xuất. Lý do thứ nhất, ảnh hưởng đến kinh tế, chủ phương tiện phải thêm chi phí khi lắp đặt thiết bị này và thứ hai liên quan đến quyền riêng tư.
“Người ta sẽ thắc mắc, xe cá nhân, tài sản riêng muốn đi chơi nơi bí mật mà lại bị camera giám sát theo dõi. Đây là vấn đề mà cơ quan soạn thảo cần suy nghĩ, tính toán để đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nếu có công chuyện cần sự riêng tư thì có thể sử dụng phương tiện khác”, ông Tạo bày tỏ.
Về mặt kinh tế, theo ông Tạo, việc lắp đặt một camera trên xe ô tô dao động từ 2-5 triệu. Nhưng so với những chi phí khác khi không may xảy ra (tai nạn giao thông, va quệt, vượt đèn đỏ…) trong quá trình tham gia giao thông nhiều lỗi có mức phạt tới hơn 10 triệu đồng.
Nếu camera giám sát hành trình chứng minh chủ phương tiện không mắc lỗi, rõ ràng số tiền bỏ ra lắp đặt với những hệ lụy phải giải quyết kinh tế hơn.
“Tôi nghĩ rằng hiệu quả việc lắp đặt camera giám sát được nhiều hơn mất. Thực tế, hiện nay dù chưa có quy định nhưng rất nhiều chủ xe đã chủ động lắp đặt thiết bị này, camera quay bên ngoài xe nên cũng không ảnh hưởng đến quyền riêng tư, tự do cá nhân", ông Tạo nhìn nhận.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia giao thông cho rằng, thực tế hiện nay nhiều phương tiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe, nhằm giúp cho người điều khiển theo dõi xác định được vị trí tài sản, phương tiện của mình.
Song song đó, khi xảy ra tai nạn giao thông thiết bị giám sát hành trình rất hữu ích đối với lái xe cũng như cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, ông cho rằng nên khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình thay vì đưa ra yêu cầu bắt buộc. Hoặc cơ quan quản lý Nhà nước cần có thí điểm, đưa ra lộ trình phù hợp “đừng có bắt buộc ngay”, bởi còn liên quan đến chi phí bỏ ra mua sắm thiết bị.
Thêm vào đó, ông Thanh cho rằng, theo quy định hiện hành, tất cả ô tô kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng việc quản lý các thiết bị này thời gian qua rất “chệch choạc”. Giờ chúng ta bắt buộc tất cả các xe thì dường như hơi quá sức đối với cơ quan quản lý.