Tham gia vào Điều 5 “Quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn”, đại biểu Lan Anh đề nghị chọn phương án 1: “Người lao động Việt Nam làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động hoặc làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam” và “Người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở”; “Trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam”.
Giải thích cho sự lựa chọn của mình, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, việc bổ sung “quyền công đoàn” cho 2 đối tượng người lao động như Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) là hết sức quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đối tượng và phù hợp với Công ước quốc tế năm 1996 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam là thành viên của tổ chức.
Tuy nhiên, đại biểu Lan Anh cũng cho rằng, để tăng tính thuyết phục, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ tác động và lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động là các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đồng thời điều chỉnh, bổ sung Điều lệ Công đoàn cho phù hợp, đặc biệt là điều kiện, tiêu chuẩn đối với lao động là người nước ngoài.
Về “Vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công đoàn” (Điều 30), đại biểu Lan Anh tán thành việc sửa đổi các quy định có liên quan đến tài chính công đoàn để kịp thời thể chế hóa yêu cầu của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tài chính công đoàn trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, đề nghị Ban Soạn thảo cần làm rõ hơn một số nội dung tại Điều 29 của Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) về xác định tài chính công đoàn được cấu thành bởi 4 nguồn thu trong khi chưa phân định, tách bạch nội dung chi của từng nguồn khác nhau nhằm đảm bảo chi công khai, minh bạch, đúng mục đích.
Khoản 2 Điều 30 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đề xuất 2 phương án phân định việc sử dụng kinh phí công đoàn (Phương án 1: giao Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Phương án 2: xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%). Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là vấn đề quan trọng, cần công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
Đại biểu cũng cho rằng, không nên quy định cụ thể tỷ lệ % trong luật mà nên giao Chính phủ quy định cụ thể để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình việc thành lập các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với thực tế.
Về mối quan hệ với Luật Nhà ở, khoản 4 Điều 80 Luật Nhà ở (sửa đổi) 2023 đã bổ sung một số quy định về trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động. Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) chưa bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn Việt Nam nói chung và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói riêng về nội dung này.
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng chưa đề xuất phương án quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn như thế nào để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bảo đảm minh bạch, hợp lý, bình đẳng giữa các đối tượng thụ hưởng, đồng thời chưa có cơ chế để công nhân, người lao động có nhu cầu, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được tiếp cận với nhà ở xã hội. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát để bổ sung các quy định có liên quan đến việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi).