Chị Vương Thị Hồng, xã Cốc San (Bát Xát) là một phụ nữ tiêu biểu như thế. Chồng chị, anh Lý Văn Minh hiện đang công tác tại UBND xã Cốc San và là Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Luổng Láo 2. Chồng công tác xã hội bận, nên hầu hết việc sản xuất, chăm lo gia đình do chị Hồng gánh vác.

Năm 2006, chị Hồng bàn với chồng mạnh dạn chuyển đổi đất ruộng thành ao nuôi cá, tới nay, ao cá rộng trên 4.000m2 đã cho gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Năm 2008, gia đình chị Hồng thử nghiệm nuôi ếch Thái Lan, vừa nuôi vừa học hỏi, chị gặp không ít khó khăn. Sau lứa đầu tiên ếch bố mẹ bị chết do còn thiếu kinh nghiệm, giờ đây việc nuôi loại đặc sản này đã ổn định, trung bình mỗi năm gia đình chị xuất bán hơn 20 vạn con ếch giống và bán trên 1 tấn ếch thương phẩm.
Để mở rộng mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình, năm 2010, thông qua Hội Phụ nữ xã, chị Hồng mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư xây dựng chuồng để nuôi lợn giống và lợn thịt, đến nay sản lượng trung bình đạt 10 tấn lợn thịt mỗi năm. Ngoài ra, gia đình chị Hồng còn sở hữu 3 ha rừng mỡ 12 năm tuổi. Mô hình kinh tế tổng hợp của chị đã mang lại nguồn thu ổn định trên 400 triệu đồng/năm. Tâm sự về việc phát triển kinh tế, chị Hồng cởi mở: Mình đã đi tham khảo nhiều mô hình để học hỏi kinh nghiệm, tới đây gia đình sẽ xây dựng mô hình nuôi vịt sinh sản trên quy mô lớn.
Ở Cốc San có không ít những gia đình mà phụ nữ có "công đầu" trong phát triển kinh tế như hộ chị Vương Thị Seo, Nguyễn Thị Lượt, Trần Thị Hoa...
Thành công của các mô hình kinh tế do phụ nữ các địa phương là “đầu tàu” cũng chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự hoạt động hiệu quả của hội phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh. Năm 2012, các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Nguồn vốn hỗ trợ do hội phụ nữ đứng ra tín chấp là động lực quan trọng giúp chị em có điều kiện đầu tư chăn nuôi, sản xuất kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đẩy mạnh kinh doanh đạt hiệu quả cao. Hội phụ nữ các cấp đã tích cực giúp các hội viên tiếp cận với nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các nguồn vốn vay, hỗ trợ khác. Các cấp hội phụ nữ cũng chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức 472 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng vốn cho trên 21 nghìn lượt phụ nữ tham gia. Tạo điều kiện cho phụ nữ được trao đổi, học tập kinh nghiệm nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất lao động. Các mô hình phụ nữ "Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, mô hình "Hai, ba phụ nữ khá giàu giúp một phụ nữ nghèo thoát nghèo"... ngày càng được nhân rộng. Năm 2012, đã có trên 7 nghìn phụ nữ có kinh tế khá và 142 chi, tổ phụ nữ giúp hơn 1 nghìn phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay hoặc hỗ trợ trực tiếp 2,96 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Tuấn Khanh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh cho biết: Hội phụ nữ các cấp đã đẩy mạnh các phong trào hoạt động, đa dạng hóa mô hình, hướng sản xuất mới phù hợp với từng địa phương để chị em áp dụng phát triển kinh tế hộ gia đình, qua đó từng bước giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Năm 2012, có hơn 12 nghìn lượt chị em phụ nữ thoát nghèo, nhiều người trở thành điển hình phát triển kinh tế giỏi tại địa phương như chị Tẩn Muổng Trình thôn Bản Pho, xã Bản Qua (Bát Xát); chị Hoàng Thị Hương, thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu (Mường Khương)...
Sẽ còn không ít phụ nữ Lào Cai đang tiếp bước trên con đường phát triển kinh tế. Họ vẫn là những người “vợ đảm, mẹ hiền”, không cam chịu nghèo khó, vươn lên làm giàu chính đáng bằng đôi chính bàn tay, khối óc của mình, góp phần làm đổi thay diện mạo kinh tế - xã hội của địa phương.