Dưới đường dây 500kV
Nhiều năm nay, người dân thôn Hang Đá (xã Xuân Quang, tỉnh Lào Cai) không còn xa lạ với hoàn cảnh gia đình bà Trần Thị Bến có chồng là bộ đội nhiễm chất độc da cam dioxin, 2 trong 3 người con chịu ảnh hưởng di chứng. Sau nhiều năm tần tảo, bà Bến và các con cũng có căn nhà khang trang, kiên cố nằm dưới hành lang an toàn lưới điện đang được gấp rút thi công.
Nắm bắt hoàn cảnh trên, các cán bộ Đoàn cùng đoàn viên, thanh niên xã Xuân Quang đã chủ động đến thăm hỏi, tuyên truyền, động viên gia đình bà Bến di dời khỏi khu vực nguy hiểm.

Đoàn viên, thanh niên tình nguyện các địa phương hỗ trợ người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Bát Xát (Lào Cai).
Theo Bí thư Đoàn Thanh niên xã Xuân Quang Vũ Văn Long, hiện địa phương có khoảng 10 hộ dân nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Đoàn xã đã cùng lực lượng chức năng hỗ trợ bà con di dời chỗ ở, công trình phụ, chuồng trại.
Tham gia một buổi chặt cây, phát quang trên những ngọn đồi cao phủ kín cây công nghiệp, Hà Thị Ngoan, học sinh thôn Làng Bông (xã Xuân Quang) cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng trong thời tiết nắng nóng đan xen mưa rào không dễ dàng, nhưng em rất vui khi cùng các bạn làm việc có ích giúp bà con.
Giám đốc Ban điều hành Dự án Đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên Đỗ Quang Khải cho biết: Từ thời điểm khởi công, dự án đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt là do thời tiết thay đổi liên tục khiến công tác đào đúc móng, dựng cột gặp trở ngại lớn. Đoàn viên, thanh niên tình nguyện đã góp phần rất quan trọng không chỉ trong tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò dự án, mà còn là nguồn lực quý báu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đắc lực cho việc kéo dây.
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cho biết: Để bảo đảm hiệu quả Đợt thi đua cao điểm lần này, Trung ương Đoàn đã quán triệt rõ yêu cầu về “bốn tại chỗ” đối với các đội hình tình nguyện: Ban chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, máy móc nhân lực tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã chỉ đạo Hội Sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng tăng cường đội hình tình nguyện “Mùa hè xanh” năm 2025 về 31 xã có dự án.
Hành chính công thân thiện, gần dân
Từ sáng tinh mơ, Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bát Xát (Lào Cai) đã tấp nập người dân ra vào. Ông Nguyễn Xuân Quang, gần 70 tuổi (trú tại tổ 1, thị trấn Bát Xát cũ) cho biết: Tôi thuộc diện hộ nghèo, không biết chữ, mỗi lần làm thủ tục cũng phải mất từ 2-3 ngày, có khi cả tuần. Nhưng giờ đây, với sự hỗ trợ tận tình của các cán bộ xã và các đoàn viên, thanh niên tình nguyện, mọi thủ tục được xử lý trong nửa tiếng.
Lễ phép đón người cao tuổi trước cửa Trung tâm, nhanh nhẹn thao tác trên điện thoại hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số, nữ đoàn viên tình nguyện Hồ Minh Trúc (dân tộc Giáy) cho biết: Trước khi tham gia công tác, em và các bạn trẻ đều được tham gia các lớp tập huấn liên quan. Công việc nhiều, nhưng em rất vui vì cảm thấy mình có ích.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bát Xát Vũ Văn Giang cho biết: Ban ngày, chúng tôi thay phiên hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục tại Trung tâm ở xã mới và một số điểm tiếp nhận ở các xã cũ, còn buổi tối cắt cử nhau đến tận nhà để hướng dẫn bà con làm quen với công nghệ, thao tác trên điện thoại thông minh…
Tương tự, tình nguyện viên các xã Xuân Quang và Phong Hải (Lào Cai) cũng đang tích cực triển khai nhiều đội hình hỗ trợ vận hành chính quyền địa phương hai cấp.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Xuân Quang Vũ Văn Long cho biết: Sau sắp xếp, chính quyền địa phương đã bố trí hai điểm thực hiện thủ tục hành chính để thuận tiện cho người dân. Ở mỗi điểm, luôn có ít nhất ba đoàn viên, thanh niên tình nguyện túc trực để hỗ trợ bà con.
Trong khi đó, nữ thủ lĩnh thanh niên xã Phong Hải Trần Kim Thoa chia sẻ, hiện tuổi trẻ xã đang vận hành song song hai đội hình với 20 tình nguyện viên tại hai Trung tâm phục vụ hành chính công, dù hai điểm cách nhau hơn 13km với nhiều đoạn di chuyển còn khó khăn.
Không ít người dân sau khi nhận được mã QR để truy cập, nộp hồ sơ tại Cổng dịch vụ công quốc gia đã nghi ngờ… bị lừa đảo. Được các tình nguyện viên giải thích rõ ràng, họ mới tiến hành những thủ tục cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp không có điện thoại thông minh, tài khoản ngân hàng hoặc không mang theo tiền mặt. Tình nguyện viên kiên trì giải thích rồi hướng dẫn người dân nộp tiền theo các phương thức phù hợp. “Một số bạn còn nộp giúp bà con các khoản phí nhỏ”, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phong Hải Trần Kim Thoa nói.
Theo thống kê của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 7, cả nước có khoảng 4.800 đội hình với hơn 241.000 đoàn viên, thanh niên tình nguyện cùng gần 730 đội hình sinh viên tình nguyện “Mùa hè xanh” đã đồng loạt ra quân hỗ trợ vận hành chính quyền 2 cấp.
Đây là đợt cao điểm của tuổi trẻ Việt Nam, diễn ra trong hai tháng 7 và 8/2025, với trọng điểm ưu tiên là 286 xã, phường và đặc khu gắn với biên giới. Trong đó, tiêu biểu như Thủ đô Hà Nội với 126 đội hình, gần 3.760 tình nguyện viên hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính công; Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các lớp kỹ năng số cho người cao tuổi; mô hình “Đội phiên dịch công nghệ” giúp đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Lạng Sơn, Nghệ An; những “Góc công nghệ số” hoạt động ngày đêm tại thành phố Hải Phòng; hơn 1.000 đội chuyên trách của tuổi trẻ công an nhân dân cùng hơn 1.600 buổi phổ cập kỹ năng số cho hơn 170.000 lượt đoàn viên…