Chính quyền địa phương vào cuộc, nạn khai thác trái phép đất hiếm tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên gần đây lại “nóng lên”.
Cách đây gần 2 năm, Đài TNVN đã có bài phản ánh người dân địa phương đổ xô đi khai thác mỏ quặng đất hiếm Đông Pao thuộc xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Ngay sau đó chính quyền địa phương vào cuộc, nạn khai thác trái phép đất hiếm tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên gần đây lại “nóng lên”. Người dân ngang nhiên khai thác quặng giữa ban ngày.
Trong khi đó, chính quyền địa phương đã thành lập tới ba, bốn trạm kiểm soát để ngăn chặn khai thác và vận chuyển đất hiếm ra khỏi địa bàn, nhưng xem ra không mấy hiệu quả.
Những ngày nửa cuối tháng 9 này, tại mỏ đất hiếm Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, nhiều người dân đang ngang nhiên đào đất hiếm giữa thanh thiên bạch nhật và dường như không gặp khó khăn, trở ngại nào.
Chỉ khi phát hiện có phóng viên vào địa bàn, một số người đã bỏ lại dụng cụ khai thác, mũ nón, các bao tải đất hiếm để tạm lánh lên nương. Cách mỏ khai thác không xa là một lều lán dựng tạm, có 5 đến 7 thanh niên ngồi chờ đất hiếm. Phát hiện có người lạ đến, họ tản đi mỗi người một nơi, nhưng với hiện trường còn lại là cái cân, cùng hàng chục bao đất hiếm cho thấy đây chính là điểm thu mua quặng.
Thấy người dân trong vùng “làm tiền” từ khai thác và vận chuyển trái phép đất hiếm, người dân bản Đông Pao 1 và bản Đông Pao 2 đã tự ý lập trạm thu phí chốt chặn tại ngã ba vào bản, với mục đích lập quỹ bản.
Trung bình mỗi ca trực ở chốt trạm này có từ 4 – 6 người, mỗi xe máy chở từ 1 đến 2 tạ đất hiếm qua trạm phải nộp 100.000 đồng/xe, bản thu 600.000 đồng/ngày, còn đâu cho anh em trực tại trạm chia nhau.
Anh Lò Văn Bình, bản Đông Pao 2, một người trực ở Trạm thu phí cho biết: “Bản đã cử chúng em ra đây trực. Nhiệm vụ của chúng em là không cho xe thồ quặng đi qua không. Xe nào thồ là bọn em thu quỹ 100.000 đồng/xe”.
Mỏ đất hiếm Đông Pao được Công ty cổ phần đất hiếm Lai Châu và Công ty Phát triển đất hiếm Đông Pao - Nhật Bản ký kết biên bản ghi nhớ về khai thác và chế biến từ năm từ tháng 5/2012.
Hai Công ty đã tiến hành nghiên cứu lập dự án khai thác chế biến, với mục tiêu sản xuất khoảng 10.000 tấn mỗi năm. Thế nhưng, không hiểu sao đến nay vẫn chưa tiến hành khai thác.
Hiện người dân đang khai thác trái phép bán cho đầu nậu thu mua tại mỏ, với giá từ 5 – 6.000 đồng/kg. Các đầu nậu vận chuyển qua Lào Cai và các đường tiểu ngạch khác trên tuyến biên giới Lai Châu để bán sang Trung Quốc, với giá từ 17 – 18.000 đồng/kg.
Như vậy, một người dân bình thường lên nương nhà mình đào, cuốc, chả mấy chốc là có được hàng tạ đất hiếm, kiếm 500.000 đồng như chơi. Kiếm tiền dễ dàng từ đào bán đất hiếm khiến việc khai thác và vận chuyển trái phép trên địa bàn ngày càng phức tạp hơn. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Bản Hon cho biết: “Không chỉ liều mình vượt các trạm gác giữa ban ngày, các đối tượng còn vận chuyển quặng đất hiếm theo đường mòn, hay dùng xe máy chở lên địa bàn thành phố Lai Châu để tiêu thụ”.
Trước diễn biến phức tạp của nạn khai thác, vận chuyển trái phép đất hiếm, gây thất thoát nguồn tài nguyên quý hiếm quốc gia, vừa qua tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo huyện Tam Đường điều động lực lượng công an về cơ sở, phối hợp với chính quyền xã Bản Hon tăng cường kiểm soát ở các trạm gác.
Theo đó, huyện Tam Đường đã thành lập 3 trạm gác trên đường San Thàng – Đông Pao tại hai xã Bản Hon và Bản Giang. Tuy nhiên, các trạm gác này hoạt động không hiệu quả. Nhiều lúc không có người ở trạm gác và các xe chở quặng vẫn ngang nhiên vượt qua ngay giữa ban ngày. Đã thế, ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã bản Hon Nguyễn Văn Thuận lại không hề biết việc bản Đông Pao 1 và Đông Pao 2 lập ra chốt trạm để thu phí xe máy chở đất hiếm.
Khi phóng viên đưa ra các bằng chứng có trạm kiểm soát do bà con tự lập, ông Thuận mới hay. Trong khi đó từ trung tâm xã xuống trạm chốt thu phí của bản chỉ khoảng 2 km, lại cùng trên trục đường, mà lãnh đạo xã lại không biết. Vậy ở khai trường đất hiếm này, người dân đang xẻ núi khai thác quặng như của nhà mình, liệu ông có biết?
Còn ông Bùi Quang Vinh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Tam Đường, người trực tiếp phụ trách quản lý lĩnh vực tài nguyên môi trường lại cho rằng, việc quản lý đất hiếm khó khăn, là do quy định xử phạt hành chính còn nhiều bất cập. Ông Vinh nói: “Việc xử phạt hành chính đối với đất hiếm là hàng không rõ nguồn gốc nên xử phạt theo lĩnh vực thương mại nên hình thức xử phạt rất thấp. Các đối tượng thu mua vận chuyển núp bóng không thể hiện mà thuê người dân”.
Chuyện người dân ngang nhiên khai thác, vận chuyển và thu mua trái phép đất hiếm thời gian qua đã làm hàng trăm tấn đất hiếm bị tuồn ra ngoài. Vụ việc này gây thất thoát lớn nguồn tài nguyên quý hiếm của quốc gia, khiến nhiều bà con ở địa phương bứcc xúc.
Dư luận đặt câu hỏi, với việc quản lý khoáng sản như ở Tam Đường, tỉnh Lai Châu hiện nay, thì bao giờ mới chặn đứng được nạn khai thác quặng trái phép, thất thoát tài nguyên khoáng sản quý của đất nước?.