
Lo bài toán chi phí, thủ tục pháp lý
Theo quy định tại Thông tư 29, giáo viên nếu không đăng ký dạy thêm ở các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, trung tâm dạy thêm học thêm... thì phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Điều này nhằm đảm bảo tính hợp pháp và quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động dạy thêm. Tuy vậy, bài toán đặt ra với các giáo viên đó là, nếu đưa học sinh đang giảng dạy tới các trung tâm, chi phí sẽ bị đội lên khá nhiều.
Cô giáo Hoàng Vân Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, hiện cô đang dạy môn Toán cho học sinh cấp 2 với khoảng 60 học sinh ở nhiều khối lớp, trong đó có cả học sinh cô đang dạy chính khóa trên lớp và các lớp khác, thậm chí trường khác. Cô xếp lớp các em theo trình độ để dạy học, mỗi lớp khoảng 15 học sinh nhằm đảm bảo hiệu quả dạy học với chi phí cố định là 60.000 đồng/buổi học 1,5 tiếng, học sinh đi học buổi nào tính tiền buổi đó.
“Tôi đã liên hệ với trung tâm ở gần nhà để hỏi về việc đưa học sinh ra đây giảng dạy. Chi phí sẽ phải tăng lên ít nhất thành 100.000 đồng/buổi học nếu học sinh đi đủ, còn vài em nghỉ thì sẽ khó cho giáo viên vì trung tâm tính theo buổi học, học sinh nghỉ cũng không được trừ tiền” - cô Bình đắn đo vì các gia đình học sinh ở vùng ngoại thành, mức sống trung bình nên học phí tăng lên sẽ làm khó cho các em. Một phương án khác cô Bình đang cân nhắc đó là tăng sĩ số học sinh lên để giảm chi phí, nhưng như vậy sẽ khó theo sát được sự tiến bộ của từng em, khó đảm bảo hiệu quả.
Cũng chung tâm trạng như vậy, thầy giáo Nguyễn Văn Thắng đang là giáo viên dạy Hóa tại một trường THPT công lập ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi cân nhắc nhiều mặt, thầy quyết định nhờ người thân đăng ký kinh doanh để dạy thêm, địa điểm tại chính nhà thầy. Nhưng khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh cá thể, thầy lại được trả lời là quận không cho phép đăng ký kinh doanh dạy thêm bằng hình thức hộ kinh doanh vì không có mã ngành. Nghĩa là nếu muốn dạy thêm mà không thông qua trung tâm, tự làm thủ tục kinh doanh thì phải thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp nhưng như vậy càng rắc rối hơn.
Nhiều ngày qua, trên nhiều diễn đàn giáo viên, không ít thầy cô bày tỏ băn khoăn về việc nếu mình chỉ kèm 1 lớp dưới 10 học sinh thì có phải đăng ký kinh doanh hay không? Thủ tục về mặt giấy tờ nhiều thầy cô chưa từng làm cảm thấy rất rắc rối trong khi thuê bên dịch vụ tư vấn thì chi phí cũng lên tới tiền triệu mà không chắc chắn có đảm bảo hay không. Đặc biệt, vì quy định giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý và điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nên các giáo viên trường công lập không thể đứng tên tư cách pháp nhân dù là thành lập doanh nghiệp để dạy thêm hay xin cấp giấy chứng nhận kinh doanh hộ gia đình. Nếu nhờ người khác đứng tên, liệu có rắc rối gì hay không?
Trên thực tế, việc đăng ký kinh doanh dạy thêm không thuộc lĩnh vực quản lý của Sở, mà thuộc các cơ quan khác. Cụ thể, nếu đăng ký thành lập hộ kinh doanh, cần xin giấy phép từ UBND quận, huyện nơi đặt địa điểm của hộ kinh doanh. Nếu thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp, sẽ phải đăng ký thành lập công ty và giấy phép này được cấp phép bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, vì chưa có hướng dẫn cụ thể nào từ các cơ quan chức năng, từ nhà trường, hiệu trưởng… nên nhìn chung đến thời điểm này, trừ các giáo viên có hướng kết hợp với các trung tâm văn hóa có sẵn để dạy thêm, các lớp học thêm khác phần lớn đều tạm dừng.
Giám sát chặt chẽ từ cộng đồng
Ghi nhận tại các địa phương đến thời điểm này dù đã có nơi ban hành công văn về việc thực hiện Thông tư 29 nhưng các quy định cụ thể về dạy thêm, học thêm vẫn chưa có. Tại Hà Nội, nhu cầu cho con học thêm của phụ huynh là rất lớn. Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đang khẩn trương xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29 trình UBND thành phố ban hành với những nội dung cụ thể nhằm đưa vấn đề này vào nền nếp, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.
Đi cùng với đó là hàng loạt giải pháp như nâng cao năng lực, trách nhiệm của nhà giáo nhằm phát huy năng lực tự học của học sinh; đẩy mạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá bảo đảm phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để bảo đảm học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm. Đồng thời, Sở cũng sẽ triển khai các giải pháp phát triển quy mô, mạng lưới giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm đủ trường học, tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn phụ huynh và học sinh hãy tin tưởng, đồng lòng chung sức, khẳng định trách nhiệm gia đình cùng ngành Giáo dục thực hiện và giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định mới về dạy thêm, học thêm, bảo đảm quyền lợi để các em được phát triển toàn diện.
Được biết, mức xử phạt đối với trường hợp dạy thêm có thu tiền ngoài nhà trường nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh sẽ bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo Nghị định số 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Trường hợp phải đăng ký thành lập công ty nhưng không thực hiện đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.