LCĐT - Mùa hè, thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Việc lựa chọn nguyên liệu, biện pháp chế biến, bảo quản thực phẩm sau chế biến không tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm ô nhiễm... đều có thể làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
Quán Legend coffee, đường Phùng Chí Kiên, phường Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai) thu hút thực khách không chỉ bởi không gian thoáng, mát với nhiều cây xanh, mà còn có nhiều đồ ăn, nước uống. Mùa hè, thực đơn của quán phong phú hơn với các loại nước hoa quả, trà. Bên cạnh đó, quán còn phục vụ các món đồ ăn nhanh, như mỳ Ý, các loại bánh ngọt... Chị Phạm Thị Nga, chủ quán cho biết: Tiêu chí kinh doanh của quán là tận tâm để kinh doanh bền vững, nên chúng tôi luôn đáp ứng các điều kiện kinh doanh và đặc biệt chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Quán có các khu vực riêng, như nơi bán hàng, chế biến thức ăn, pha đồ uống; không gian thoáng mát, dụng cụ pha chế được vệ sinh sạch sẽ...
Bà Nguyễn Thu Hà ở phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) mở quán bán đồ ăn sáng với các loại xôi, bánh mì. Vào hè, bà làm thêm chè, sữa chua, kem túi... Các nguyên liệu như đỗ đen, đỗ xanh, sữa chua, sữa đặc, đường được bà lựa chọn kỹ. Đồ ăn chín, đồ ăn sống được bà để riêng từng hộp có nắp đậy và bảo quản trong tủ lạnh. Bà Hà cho biết: Nguyên liệu và quá trình chế biến luôn đảm bảo, bởi tôi làm không chỉ để bán, mà còn phục vụ chính những người trong gia đình.
Công tác kiểm tra kinh doanh thực phẩm đường phố được thực hiện thường xuyên tại thị xã Sa Pa. |
Nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh lây truyền qua đường thực phẩm trong mùa hè, Trung tâm Y tế thành phố Lào Cai đã yêu cầu các trạm y tế xã, phường tổ chức kiểm tra, giám sát theo phân cấp quản lý tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở chế biến lưu động trên địa bàn. Trong kiểm tra, các đơn vị phối hợp phổ biến những quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở, đặc biệt là quy định về nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các thôn, tổ dân phố thông qua hệ thống loa truyền thanh đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm trong mùa hè.
Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần nâng cao trách nhiệm, đạo đức trong chế biến thực phẩm. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Thời gian này, do tác động của các yếu tố tự nhiên như nóng ẩm, thay đổi nhiệt độ khiến vi sinh vật phát triển mạnh, do đó, thực phẩm rất dễ hỏng, biến chất, gây ngộ độc và truyền bệnh qua thực phẩm (các bệnh truyền qua thực phẩm thường gặp như thương hàn, lị, tiêu chảy do vi rút, viêm gan A, E...).
Khu chế biến thực phẩm cần gọn gàng, sạch sẽ. |
Theo bà Huyền, người dân cần thực hiện tốt các nguyên tắc: Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm; vệ sinh sạch khu vực bếp, các dụng cụ như chạn bát, giá kệ, lồng bàn để phòng tránh côn trùng; giữ vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở đảm bảo luôn sạch, khi chế biến thực phẩm phải xa các nguồn ô nhiễm... Không để lẫn thịt gia súc, gia cầm, hải sản và thực phẩm tươi sống khác với thực phẩm đã qua chế biến; thực phẩm cần được bảo quản trong các dụng cụ có nắp đậy để tránh ô nhiễm; thức ăn được bảo quản muốn sử dụng lại cần đun kỹ và chỉ đun lại một lần. Đặc biệt, lương thực, thực phẩm cần tránh ẩm mốc, mối mọt và ngập nước, phòng, chống côn trùng, động vật gây bệnh xâm nhập; người dân cần sử dụng nước sạch trong chế biến thực phẩm, đun sôi nước trước khi làm đá lạnh để uống...
Cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Trong những ngày nắng nóng, nắm được những kiến thức cơ bản sẽ giúp bữa ăn gia đình đảm bảo an toàn vệ sinh. Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng cần nâng cao trách nhiệm, đạo đức trong chế biến, góp phần phòng, tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nội dung: Phương Thảo
Trình bày: Ngọc Luyến