Tham gia Điều 18 dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho rằng, việc quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường là cần thiết nhằm tạo lập thị trường dịch vụ viễn thông cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đang có “điểm vênh”, thiếu thống nhất với quy định của Luật Cạnh tranh như việc “cấm doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông với giá cước thấp hơn giá thành nhưng không có mục đích nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh”. Điều này cần được xem xét, bổ sung để đảm bảo sự thống nhất, thông suốt khi thi hành.
Phân tích Điều 33 của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) về “Quỹ dịch vụ viễn thông công ích”, đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho rằng mục tiêu của quỹ là hỗ trợ người dân thuộc hộ nghèo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một số dự án xây dựng công trình hạ tầng viễn thông nhằm giảm bớt sự chênh lệch về khoảng cách số giữa các vùng, miền, điều này rất ý nghĩa và cần thiết. Hoạt động của quỹ còn đáp ứng cam kết của Việt Nam về quản lý nhà nước dịch vụ viễn thông công ích khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phù hợp với xu thế kinh tế quốc tế hiện nay.
Đại biểu Sùng A Lềnh phân tích Báo cáo số 31 ngày 31/3/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Viễn thông 2009 có đánh giá hiệu quả sử dụng của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2016 - 2020 là chưa cao, khi tổ chức thực hiện gặp khó khăn, có thời điểm số kết dư quỹ lên đến hơn 5 nghìn tỷ đồng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho rằng, để đảm bảo tính hiệu quả của quỹ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo luật hóa những nội dung đã được quy định tại một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai trước đây; cần phân định rõ từng dịch vụ viễn thông công ích; bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại địa phương trong việc sử dụng và quản lý quỹ.
Đề nghị Chính phủ xem xét, mở rộng phạm vi sử dụng của quỹ đối với hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất thiết bị viễn thông; có mô hình, giải pháp, nền tảng số, dịch vụ mới, phục vụ các hoạt động viễn thông công ích thay vì chỉ sử dụng vào mục tiêu hỗ trợ như hiện nay.
Về các dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet, theo đại biểu Sùng A Lềnh, tờ trình của Chính phủ cho rằng, các dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (dịch vụ OTT) được sử dụng ngày càng phổ biến, có khả năng thay thế các dịch vụ viễn thông, trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý chặt chẽ, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho rằng các dịch vụ OTT có khả năng thay thế các dịch vụ viễn thông là không hoàn toàn chính xác, vì dịch vụ OTT về bản chất có tính cộng sinh trên các dịch vụ viễn thông, không thể tồn tại nếu không có mạng viễn thông.
Từ lập luận trên, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị dự thảo luật cần làm rõ quy định việc cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet theo hình thức có thu cước phải tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông (Khoản 1, Điều 22) hoặc phải có giải pháp bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ (Khoản 2, Điều 22).