Xã Dền Sáng, huyện Bát Xát có 4 thôn, 99% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023, Dền Sáng thành lập 2 tổ truyền thông cộng đồng với 18 thành viên, triển khai đa dạng các hình thức truyền thông, qua đó từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ khoảng cách giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Thôn Ngải Chồ đang vào mùa thu hoạch lúa. Trên khắp các thửa ruộng bậc thang, dễ dàng gặp được hình ảnh những cặp vợ chồng cùng nhau vận chuyển thóc về nhà.
Năm nay, thời tiết thuận lợi nên lúa được mùa, niềm vui trong những ngôi nhà nhỏ cũng theo đó nhân lên. Sau một ngày làm việc vất vả, trong những căn bếp tỏa khói ấm, các cặp vợ chồng lại cùng nhau chuẩn bị bữa tối cho cả gia đình.
Theo chị Chảo Tả Mẩy, Tổ phó Tổ truyền thông cộng đồng thôn Ngải Chồ thì đây là sự thay đổi lớn trong các gia đình người Dao nơi đây. Bởi từ trước đến nay, quan niệm phụ nữ nội trợ, làm công việc gia đình, không được quyết định việc lớn đã ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ của người dân thôn Ngải Chồ.
Đó là kết quả trong triển khai các giải pháp truyền thông cộng đồng thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Các thành viên tổ truyền thông cộng đồng là bí thư chi bộ, trưởng thôn, mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, người có uy tín... Việc tuyên truyền được lồng ghép tại các buổi họp thôn, các sự kiện của thôn.
Nội dung tuyên truyền tập trung về: phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng chống bạo lực gia đình, tai nạn thương tích cho trẻ em; xóa bỏ hủ tục; tuyên truyền các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ...
Nếu trước đây, vị thế của phụ nữ người Dao trong gia đình không được coi trọng (phụ nữ không được ngồi chung mâm với bố mẹ chồng, không được thắp hương, không được quyết định những công việc lớn) thì nay đã thay đổi, phụ nữ bình đẳng với đàn ông, thậm chí nhiều phụ nữ còn là chủ hộ, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế do vụ nữ làm chủ.
Ví dụ điển hình về phụ nữ làm chủ kinh tế là gia đình chị Tẩn San Mẩy, thôn Ngải Chồ. Chị Mẩy dám nghĩ, dám làm, đã bàn với chồng ý tưởng xây dựng mô hình tắm lá thuốc, homestay đón khách du lịch.
Chồng chị Mẩy ủng hộ ý tưởng phát triển kinh tế của vợ, tích cóp được chút vốn, vay mượn thêm, anh chị xây ngôi nhà khang trang đón khách và xây căn bếp lớn nấu lá thuốc. Bên cạnh đó, gia đình chị Mẩy còn nuôi ong, nuôi cá nước lạnh, mỗi năm thu lãi 300 triệu đồng. Mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của chị Mẩy được nhiều phụ nữ trong thôn, xã học tập.
Chị Phàn Tả Mẩy, Chủ tịch Hội LHPN xã Dền Sáng cho biết: Các tổ truyền thông cộng đồng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền trực quan, phát tờ rơi, lồng ghép vào các cuộc họp thôn, sự kiện trong thôn, trong xã, ứng dụng chuyển đổi số trong tuyên truyền qua các nhóm mạng xã hội.
Theo đó đã tổ chức 6 buổi truyền thông với hơn 100 người tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung xóa bỏ một số hủ tục, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thực hiện bình đẳng giới... Bên cạnh đó, các tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Kết quả, xã Dền Sáng không có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Số hộ gia đình do phụ nữ làm chủ ngày càng nâng lên, phụ nữ tham gia nhiều hoạt động trong xã, trong thôn.