Những lá đơn trình báo…
Cuối tháng 8-2024, chị L (trú tại Hà Nội) theo dõi nhóm Facebook “Tuyển dụng kế toán” thấy có một tài khoản đăng tin tuyển dụng kế toán online và nhân viên nhập số liệu nên đã liên hệ tìm việc làm. Sau khi đăng ký, chị L được cấp mã số để làm “nhiệm vụ”. Quá trình này, các đối tượng yêu cầu chị L nạp tiền trên website nên chị đã có 24 lần chuyển tiền đến 15 tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp, tổng cộng gần 20 tỷ đồng (lần chuyển ít nhất 10 triệu đồng, lần chuyển nhiều nhất hơn 4 tỷ đồng).
Chị L không phải là nạn nhân duy nhất của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự nhớ lại, cùng thời điểm trên, đơn vị tiếp nhận hàng loạt tin báo của người dân liên quan đến việc bị các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng rồi chiếm đoạt tài sản. Sau khi bị lừa đảo, cuộc sống của hầu hết nạn nhân đều bị đảo lộn. Thượng tá Lê Minh Hải khi đó là Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (hiện là Phó trưởng CAQ Hà Đông) nhớ lại, các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn tiếp cận bị hại theo các kịch bản được dựng sẵn như làm nhiệm vụ hưởng “hoa hồng”, cập nhật thông tin thuế, VNeID…
Chuyên án thành công là cột mốc điển hình trong công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền quy mô lớn, đã thu giữ số lượng lớn tiền mặt cùng nhiều vật chứng có giá trị. Thành công của chuyên án cũng đã thể hiện bản lĩnh, trình độ và trí tuệ của lực lượng Cảnh sát hình sự Hà Nội, đặc biệt là sự táo bạo trong các quyết sách liên quan đến hoạt động nghiệp vụ qua đó cũng là lời cảnh báo đanh thép: “Môi trường mạng không phải là nơi ẩn náu an toàn đối với tội phạm”.
Từ thông tin do nạn nhân cung cấp, cơ quan điều tra xác định được tên của một số chủ tài khoản nhận tiền chiếm đoạt. Nhưng những tài khoản này được các đối tượng chia ra nhiều cấp, trong đó tài khoản cấp 1 sẽ nhận tiền trực tiếp, sau đó chuyển tiếp đến các tài khoản cấp 2 và 3. Đặc biệt, đây đều là các tài khoản không chính chủ, rất khó khăn trong xác minh ai mới thực sự là người sử dụng. Cơ quan công an xác định các đối tượng lừa đảo đã sử dụng ứng dụng Telegram được truy cập từ Campuchia. Mặt khác, trong các tài khoản ngân hàng được sử dụng vào mục đích nhận tiền chiếm đoạt có 12 tài khoản có thông tin địa chỉ truy cập cũng tại Campuchia.
Ổ nhóm tội phạm từ nước ngoài
Nhận định đây là ổ nhóm tội phạm mạng hoạt động xuyên quốc gia, Phòng Cảnh sát hình sự đã báo cáo Ban Giám đốc CATP Hà Nội xác lập chuyên án, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, trong đó có Cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Campuchia triển khai phương án đấu tranh. Sau khi rà soát, cơ quan công an phát hiện 2 tài khoản mang tên Lê Trần Việt Anh và Nguyễn Văn Luận mở tại các ngân hàng ở Việt Nam, đồng thời xác định được nơi cư trú của Việt Anh là tại huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) và Luận tại thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Mở rộng điều tra, ban chuyên án xác định người sử dụng các tài khoản ngân hàng có địa chỉ truy cập tại Campuchia để giao dịch với 2 đối tượng này là Đinh Văn Hùng (trú tại huyện Ninh Khánh, tỉnh Ninh Bình).
Đại úy Ngô Xuân Quyền - cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự nhớ lại, Ban chuyên án đánh giá là Đinh Văn Hùng có vai trò rất quan trọng trong ổ nhóm tội phạm. Ngày 8-9-2022, khi Hùng đang chuẩn bị xuất cảnh từ Việt Nam sang Campuchia bị Ban chuyên án triệu tập. Quá trình điều tra xác định Hùng thường xuyên đi lại giữa Việt Nam và Campuchia, có sự móc nối giữa các đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp tại Campuchia với các đối tượng Việt Nam, chuyển hóa dòng tiền do phạm pháp mà có thành “tiền sạch”.
Tại cơ quan công an, Hùng khai nhận từ tháng 8-2021 đã sang Campuchia làm việc tại Bộ phận 777pay của một tổ chức có tên Jinbian. Quá trình làm việc, Hùng thường xuyên liên lạc với một đối tượng người Việt Nam có biệt danh A Xing để nhận tiền “bẩn” từ các tài khoản ngân hàng của hắn rồi thuê Việt Anh và Luận mua tiền điện tử USDT nhằm mục đích che giấu nguồn tiền, sau đó hưởng chênh lệch. Tháng 7-2022, Hùng xin nghỉ việc ở công ty này nhưng vẫn giữ mối quan hệ với A Xing và tiếp tục làm công việc “rửa tiền”. Hùng khai, A Xing không phải tên thật và đối tượng này vẫn là một “ẩn số” bên ngoài biên giới mà ban chuyên án phải tìm được lời giải.
Để tìm được A Xing, các điều tra viên đã lật lại mọi hoạt động chuyển tiền, nhận tiền trong tài khoản của Hùng và phát hiện ra giao dịch đáng ngờ giữa Hùng với một tài khoản được lập tại ngân hàng MB Bank. Chủ tài khoản này sau đó được xác định là Mặc Bình Hưng (SN 1991, trú tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). Tuy nhiên, theo dữ liệu tra cứu thu thập được thì Hưng đã xuất cảnh sang Campuchia. Thông qua công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, mọi nguồn tin về Hưng được ban chuyên án sàng lọc, qua đó đã khẳng định Hưng chính là A Xing. Theo đó, Hưng là Tổ trưởng Tổ Tài vụ của Bộ phận 777pay (nằm trong tổ chức tội phạm Jinbian). Bộ phận 777pay thực chất là một “cỗ máy rửa tiền” và Hưng được xác định có vai trò quan trọng trong tổ chức tội phạm này.
Tháng 9-2022, nguồn tin của Ban chuyên án khẳng định Mặc Bình Hưng đã nhập cảnh vào Việt Nam. Đối tượng Hưng sau khi trở về đã liên tục thay đổi nhân dạng và nơi ở, không giao tiếp với bất kỳ ai để tránh bị phát hiện. Tuy nhiên, Ban chuyên án đã bắt giữ thành công đối tượng này.
Cỗ máy “rửa tiền”
Từ quá trình đấu tranh trực tiếp với Hưng, Ban chuyên án làm rõ được toàn bộ mô hình tổ chức, vai trò, nhiệm vụ của các đối tượng trong tổ chức tội phạm. Ổ nhóm này thiết lập dưới danh nghĩa Công ty Jinbian, được chia thành 8 bộ phận, có trụ sở đặt tại Khu tổ hợp các tòa nhà cao tầng Star City, Thủ đô Phnômpênh, Campuchia. Cấu trúc của các bộ phận hết sức tinh vi, chặt chẽ, thực hiện hành vi phạm tội theo chuỗi, có kịch bản chi tiết từ việc tìm bị hại cho đến thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo từng cấp độ, cho đến việc rửa tiền. Mỗi người chỉ biết những công đoạn cụ thể của mình, không biết hết các đối tượng quản lý ở những bộ phận khác hoặc những khâu khác của các chuỗi hành vi phạm tội.
Mở rộng điều tra về dòng tiền, Ban chuyên án xác định sau khi nhóm lừa đảo yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng thì các tài khoản ngân hàng này đều thực hiện rút tiền mặt tại khu vực TP.HCM. Khi trinh sát mật phục tại đây, xác định được 3 tài khoản ngân hàng dùng để rút tiền mặt do Phan Thái Bình sử dụng. Bình là nhân viên, nhận sự chỉ đạo từ Phan Văn Minh - một chủ cửa hàng dịch vụ thu đổi ngoại tệ và mua bán vàng bạc, đá quý. Ban chuyên án đã bắt giữ, khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của Bình và Minh, thu giữ hơn 1,1 triệu USD, 20.000 đô la Australia, gần 5,2 tỷ đồng cùng nhiều vật chứng liên quan…
Kết quả đấu tranh chuyên án còn xác định được danh tính và phát lệnh truy nã 3 đối tượng có vai trò quan trọng trong điều hành Công ty Jinbian, trong đó kẻ cầm đầu là Wu Wei Bin (có biệt danh là Mr Seven); cấp dưới của Mr Seven có Tan Zhi Bao (còn gọi là Gulang) - quản lý Bộ phận 777pay và Wu Hai Ning (còn gọi là Laowu) - Tổ trưởng Tổ nhập khoản Bộ phận 777pay. Cả 3 đối tượng đều mang quốc tịch Trung Quốc. Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội cũng bắt giữ 21 đối tượng người Việt Nam, ra quyết định truy nã đối với một số đối tượng người Việt Nam và người Trung Quốc bỏ trốn khác. Ngoài ra, triệu tập và làm rõ nhân thân của nhiều đối tượng có liên quan đang hoạt động tại Campuchia để củng cố hồ sơ, thực hiện công tác đấu tranh khi có tài liệu chứng minh hành vi phạm tội…
Chuyên án thành công là cột mốc điển hình trong công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền quy mô lớn, đã thu giữ số lượng lớn tiền mặt cùng nhiều vật chứng có giá trị. Thành công của chuyên án cũng đã thể hiện bản lĩnh, trình độ và trí tuệ của lực lượng Cảnh sát hình sự Hà Nội, đặc biệt là sự táo bạo trong các quyết sách liên quan đến hoạt động nghiệp vụ qua đó cũng là lời cảnh báo đanh thép: “Môi trường mạng không phải là nơi ẩn náu an toàn đối với tội phạm”.