
Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã tập trung phát triển nông - lâm nghiệp, dịch vụ, trọng tâm cây quế theo hướng sản xuất hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.
Gia đình ông Triệu A Cấu ở thôn Hà Tiên hiện có hơn 7 ha quế. Từ năm 2018, gia đình ông thực hiện sản xuất quế hữu cơ, an toàn sinh học. Nhờ đó, giá bán luôn cao hơn so với trước đây, sản phẩm được doanh nghiệp ký hợp đồng và đến tận nơi thu mua.

Chị Lý Thị Mai, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh vỏ quế an toàn sinh học xã Cốc Lầu cho biết: Hiện, tổ có 7 thành viên, đại diện cho 4 thôn trong xã, liên kết với hàng trăm hộ dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quế. Tổ phối hợp với các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm vỏ quế, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ liên kết chặt chẽ, giá quế luôn ổn định, người trồng quế có thu nhập cao hơn.
Hết năm 2024, Cốc Lầu đã phát triển được gần 2.000 ha quế, trong đó có 36 ha quế hữu cơ, mỗi năm người dân có thu nhập khoảng 12 tỷ đồng từ cây quế. Cùng với cây quế, lĩnh vực chăn nuôi cũng được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương định hướng cụ thể, tạo sinh kế cho người dân, như phát triển nuôi lợn đen bản địa, gà đồi... Cùng với đó, địa phương sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Quốc Nghi, Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh: Cốc Lầu đặt mục tiêu nâng mức thu nhập bình trên 50 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 30% vào cuối năm 2025. Địa phương tiếp tục xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, tạo nguồn sinh kế bền vững, nâng cao đời sống cho người dân.