LCĐT - Ngoài việc nâng cao sức khỏe thì thể thao còn góp phần gắn kết những người cùng đam mê, sở thích và giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Đối với các gia đình, khi các thành viên cùng đam mê thể thao cũng góp phần giúp gia đình đoàn kết, yêu thương và có cơ hội được cùng nhau tham gia nhiều hoạt động thể chất bổ ích.
Nên duyên vợ chồng nhờ bóng bàn
Chiều nào cũng vậy, đúng 17 giờ 30 phút, đôi vợ chồng trẻ Trần Ngọc Tân và Lưu Thị Thùy Trang, ở phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai lại tới Nhà văn hóa Phạm Ngũ Lão, phường Lào Cai để tập bóng bàn cùng các thành viên trong Câu lạc bộ Bóng bàn Sông Hồng.
![]() |
Nhờ bóng bàn mà Trần Ngọc Tân và Lưu Thị Thùy Trang đã nên duyên vợ chồng. |
Biết đến và đam mê bóng bàn từ cách đây 5 năm, anh Tân không ngờ rằng tình yêu với môn thể thao này lại giúp anh có cơ hội được nên duyên vợ chồng với Thùy Trang - cô gái vốn là vận động viên bóng bàn thuộc đội năng khiếu của tỉnh từ khi còn nhỏ. Anh Tân bộc bạch: Tình cờ trong một lần giao lưu bóng bàn, tôi biết cô ấy. Qua một vài lần nói chuyện, tôi thấy giữa hai chúng tôi có nhiều điểm chung, rất hợp nhau về quan điểm sống, nhất là niềm đam mê bóng bàn nên sau đó chuyện tình cảm diễn ra như một lẽ đương nhiên.
Cứ như vậy, 4 năm hôn nhân, 4 năm cùng cầm vợt sánh bước, đôi vợ chồng trẻ Tân - Trang trở thành gương mặt quen thuộc ở nhiều giải đấu môn bóng bàn trong và ngoài tỉnh, đồng thời gặt hái không ít giải thưởng. Năm 2020 vừa qua là năm đánh dấu nhiều ấn tượng đặc biệt với đôi trẻ khi họ liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng ở các giải đấu lớn, tiêu biểu như Huy chương Bạc nội dung đôi vợ chồng (35 tuổi trở xuống) tại Giải cầu lông, bóng bàn gia đình toàn quốc năm 2020, được tổ chức tại Đăk Lăk.
“Trong cuộc sống vợ chồng không thể tránh được những những lúc giận dỗi, nhưng nhờ có bóng bàn, chúng tôi làm lành nhanh chóng. Trong gia đình còn có bố tôi và bố Trang cũng mê bóng bàn nên gia đình tôi thường tập luyện và chia sẻ kiến thức bộ môn cùng nhau. Sau này, tôi cũng sẽ truyền tình yêu bóng bàn cho các con của mình”, anh Trần Ngọc Tân chia sẻ.
Mẹ làm huấn luyện viên
Với chị Bùi Thị Thùy Dương, tổ 22A, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai thì mẹ chính là người đã truyền cảm hứng và niềm yêu thích môn cầu lông. Khi mới 14 tuổi, chị Dương thường theo mẹ lên sân thể thao của Bệnh viện huyện Bảo Thắng tập cầu lông. Sau nhiều buổi làm “khán giả độc quyền của mẹ”, chị Dương được mẹ sắm cho cây vợt và từng bước làm quen với cầu lông.
![]() |
Hai mẹ con chị Bùi Thùy Dương (Ngoài cùng bên phải) giành giải Ba tại Giải Cầu lông - Bóng bàn gia đình toàn quốc năm 2019. |
Suốt những năm học phổ thông, mẹ chính là thần tượng, là người thầy và cũng là huấn luyện viên riêng của chị. Cũng nhờ có mẹ và cầu lông mà chị thay đổi nhiều về thể chất, khỏe mạnh, vui tươi, hoạt bát, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, lớp. Cho đến khi đã lập gia đình và ở riêng, chị Dương và mẹ vẫn thường xuyên đi tập luyện cầu lông cùng nhau vào mỗi buổi chiều.
Chị Dương cho biết: Hai mẹ con tập luyện cầu lông đầu tiên là vì mục tiêu rèn luyện sức khỏe, nhưng từ khi tỉnh có giải thể thao dành cho gia đình thì mình và mẹ đăng ký tham gia thi đấu. May mắn là hầu như lần nào hai mẹ con cũng giành giải Nhất. Mình nghĩ đối với một phụ nữ đã ngoài 60 tuổi như mẹ mình mà còn đam mê thể thao, đặc biệt là cầu lông thì không có nhiều người, nên có những khi dù mới sinh con được 2 tháng mình vẫn cùng mẹ đi thi đấu. Mình nghĩ đó là những cơ hội không nhiều để mẹ con bên nhau và có nhiều kỷ niệm đẹp.
Giúp con trở thành huấn luyện viên
Là người có năng khiếu thể thao, ông Đặng Xuân Phương, ở tổ 17, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai yêu thích và có thể tập luyện khá nhiều môn như bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, bóng bàn, quần vợt… nhưng cầu lông mới là môn giúp ông và con trai trở thành cặp đôi cha - con “đáng gờm” của không ít tay vợt trong và ngoài tỉnh.
Gần 30 năm cầm vợt, ông Phương đã từng tham gia thi đấu và đoạt được nhiều giải thưởng lớn, nhỏ ở nhiều giải đấu các cấp, nhưng điều khiến ông tự hào nhất là đã truyền được tình yêu thể thao cho cậu con trai cả - Đặng Ngọc Anh và giúp con phát triển năng khiếu, rồi trở thành một huấn luyện viên chuyên nghiệp (hiện công tác tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh).
Ông Đăng Xuân Phương tâm sự: Tôi công tác tại Công ty Apatit Việt Nam, có nhiều điều kiện tập luyện thể thao cùng đồng nghiệp, bởi công ty có nhà tập luyện và thi đấu riêng. Cũng nhờ đó, tôi phát hiện ra con trai lớn có năng khiếu với cầu lông và thường xuyên đưa con lên tập cùng. Con tôi được vào tuyển năng khiếu của tỉnh từ khi còn nhỏ và sau khi tốt nghiệp đại học thì được tuyển vào làm huấn luyện viên cho chính đội năng khiếu của tỉnh. Bố con tôi cũng thường xuyên đánh cặp thi đấu ở các giải thể thao gia đình của tỉnh và toàn quốc.
Chính những “gia đình thể thao” như vợ chồng trẻ Trần Ngọc Tân và Lưu Thị Thùy Trang, mẹ con chị Bùi Thị Thùy Dương hoặc bố con ông Đặng Xuân Phương đã góp phần không nhỏ giúp phong trào thể thao quần chúng phát triển, đồng thời tạo nên những nhân tố đóng góp cho tuyển năng khiếu của tỉnh.
Theo anh Tô Tuấn Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh, các “gia đình thể thao” chính là những hạt nhân, tạo động lực để thể thao quần chúng ngày càng phát triển. Khi có nhiều người, nhiều thế hệ trong một gia đình cùng chơi một hoặc nhiều môn thể thao thì ngoài việc nâng cao sức khỏe và tạo nên một xã hội khỏe mạnh, còn tạo nên sự gắn kết, gần gũi giữa các thế hệ, các thành viên trong gia đình với nhau, giữa gia đình này với gia đình khác… Điều đó cũng góp phần phát hiện, bồi dưỡng những “hạt giống” thể thao tiềm năng cho thể thao thành tích cao và đem về nhiều vinh quang cho thể thao của tỉnh.