Việc số hóa sổ điểm, học bạ nhằm minh bạch hóa trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, hạn chế các bất cập về sửa kết quả học tập.
Bằng giả do đâu?
GS. VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần bày tỏ sự trăn trở với nạn bằng cấp giả. Nguyên nhân đến từ người mua bằng giả và cả sự “nhập nhèm” không minh bạch của bên tiếp nhận. Ngoài ra, việc xử lý các đối tượng sử dụng bằng giả chưa kiên quyết. Nhiều cơ quan phát hiện cán bộ, nhân viên sử dụng bằng giả vẫn chỉ dừng lại ở việc cảnh cáo, cao nhất là buộc thôi việc.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục xuất hiện tin tức nơi này, nơi kia phát hiện trường hợp dùng bằng cấp giả, từ bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ… Gần đây nhất là câu chuyện người dùng bằng giả đi dạy ở hàng loạt trường đại học, thậm chí suýt trở thành trưởng khoa của một trường cao đẳng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, để hạn chế tình trạng sử dụng bằng cấp giả, tình trạng “chạy” bằng cấp, quy trình cấp phát phôi bằng tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề cần chặt chẽ hơn. Các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cần thực hiện kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp dùng bằng giả, "chạy" bằng cấp.
Tân cử nhân Đại học Bách khoa Hà Nội trong ngày tốt nghiệp.
Số hóa văn bằng, chứng chỉ
Nhiều trường đại học, cao đẳng cho biết đã thực hiện số hóa văn bằng, chứng chỉ do nhà trường cấp để thuận tiện tra cứu, đối chiếu. Để tra cứu thông tin về văn bằng giáo dục nghề nghiệp của Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội, người dùng truy cập địa chỉ https://vbcc.hiec.edu.vn/ sau đó nhập loại văn bằng, số hiệu, số vào sổ và năm cấp, hệ thống sẽ cho ra kết quả tra cứu bao gồm các thông tin họ và tên, số hiệu bằng, ngành/nghề đào tạo, trình độ đào tạo, cơ sở đào tạo (tên khi cấp bằng và tên hiện tại), tình trạng bằng (thu hồi hay chưa). Trường hợp nhập không đúng, không đầy đủ 2 thông tin bắt buộc, hệ thống sẽ yêu cầu nhập lại. Người dùng nhập đúng thông tin mà không hiện ra kết quả thì có nghĩa là văn bằng không tồn tại.
Đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, để tra cứu thông tin về văn bằng, người dùng truy cập địa chỉ http://vanbang.gdnn.gov.vn và thực hiện như hướng dẫn.
Bộ GDĐT đã triển khai cổng dịch vụ công về công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam. Người dùng có thể tra cứu trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Công nhận văn bằng - Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT tại đường link: https://naric.edu.vn/front/tra-cuu-van-bang hoặc quét mã QR trên giấy công nhận văn bằng để xác thực. Ngoài ra, trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Công nhận văn bằng có thông tin về các cơ sở giáo dục được công nhận, bảo đảm chất lượng tại các nước mà nhiều học sinh Việt Nam du học để người dân có thể tham khảo lựa chọn trường. Nội dung này dẫn đường link các cơ quan chính thống có thẩm quyền về giáo dục ở nước ngoài đã công khai các cơ sở giáo dục bảo đảm chất lượng.
Đối với bằng cấp của các cơ sở giáo dục đại học trong nước, Bộ GDĐT cho biết đã thực hiện xây dựng Hệ thống Tra cứu thông tin văn bằng, chứng chỉ. Hiện phần mềm tra cứu văn bằng, chứng chỉ do Cục Quản lý chất lượng xây dựng đã cập nhật dữ liệu của hơn 4,7 triệu bản ghi văn bằng, chứng chỉ để phục vụ việc tra cứu của các đơn vị, người dân khi có nhu cầu. Cục cũng tham mưu xây dựng cơ sở dữ liệu (quy mô quốc gia) về văn bằng, chứng chỉ phục vụ công tác quản lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi việc sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
TS Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết tới nay, Bộ đã quy định cụ thể trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ để quản lý và thực hiện công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ.
Đối với bằng tốt nghiệp THPT, những ai quan tâm có thể tra cứu dữ liệu tốt nghiệp THPT từ năm 2009 - 2022 được đưa lên cổng thông tin của Sở GDĐT. Các cá nhân, tổ chức cần xác minh có thể tra cứu (nhập số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hoặc họ và tên người cần xác minh) là có kết quả.
Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GDĐT) cho biết, việc số hóa sổ điểm, học bạ để sử dụng trong các tình huống giao dịch dịch vụ công trực tuyến cũng đang được ngành giáo dục triển khai. Việc này giúp giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và nhà trường; minh bạch hóa quá trình quản lý kết quả học tập, rèn luyện học sinh; hạn chế các bất cập về sửa kết quả học tập.
“Để ngăn chặn tình trạng bằng cấp giả, thời gian tới, Cục Quản lý Chất lượng sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ; xử lý nghiêm các vi phạm về văn bằng chứng chỉ theo quy định của pháp luật. Đồng thời quan tâm tới công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn bằng chứng chỉ; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý văn bằng chứng chỉ” - TS Lê Mỹ Phong.
Bằng cấp phải tương xứng năng lực, trình độ
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã từng có nhiều người nhầm ông là giáo sư, phó giáo sư nhưng ông luôn nói rõ mình chỉ là tiến sĩ.
“Tôi không tham gia giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng nên không đăng ký xét GS, PGS. Ngày nay, tôi thấy nhiều trường hợp là nhà quản lý, không làm công tác nghiên cứu, không dạy ở trường đại học nhưng vẫn là GS, PGS dẫn đến nhiều ý kiến nghi ngờ về tình trạng tràn lan bằng cấp mà báo chí vẫn nhắc đến” - ông Khuyến nhìn nhận và cho rằng, khi lựa chọn nhân sự để giảng dạy và làm việc trong trường đại học, cao đẳng cũng như tuyển dụng ở các vị trí công việc khác, ngoài việc xác minh bằng cấp còn phải kiểm tra năng lực, trình độ kiến thức có tương xứng với học hàm, học vị được cấp hay không.
“Không loại trừ trường hợp nhiều người sở hữu các loại bằng cấp hoành tráng nhưng kiến thức giả thì cũng rất nguy hại” - ông Khuyến nói về thực trạng học chạy theo bằng cấp hơn là để thu nạp kiến thức.
Theo ông Khuyến, để ngăn chặn điều này, các trường cần quy chuẩn đầu vào, đầu ra ngay từ quá trình đào tạo, giảng dạy. Không thể để tình trạng “vào dễ, ra dễ” sau đó dùng bằng cấp này để xin việc, tiến thân…gây nguy hại cho xã hội. Một phương án kiểm tra thực tế là đánh giá hiệu quả công việc có tương ứng với bằng cấp hay không. Chẳng hạn, đối với giảng viên các trường đại học, cao đẳng có thể đánh giá trình độ thông qua công việc giảng dạy bằng hội đồng chuyên môn sư phạm của nhà trường, bằng kết quả công việc được giao.
Hiện nay nhiều trường cho phép sinh viên được bình chọn giảng viên. PGS.TS Trần Danh Cường - Trưởng bộ môn Phụ sản đã có 8 năm liên tiếp nhận danh hiệu "Giảng viên được sinh viên bình chọn" của Trường Đại học Y Hà Nội. Các tiêu chí mà trường đưa ra bình chọn gồm: kiến thức và trình độ chuyên môn, tác phong sư phạm và phương pháp giảng dạy, trách nhiệm và sự nhiệt tình, khả năng khuyến khích sự sáng tạo và hứng thú học tập cho sinh viên.
Ông Cường chia sẻ ngoài việc luôn cập nhật kiến thức mới để bài giảng phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, của ngành y và nhu cầu của người học, ông còn luôn tạo điều kiện giúp sinh viên tiếp cận các trường hợp đặc biệt trong bệnh viện để các em nắm từng ca, từng bệnh và hướng dẫn cách giúp người bệnh tốt nhất. Dạy học thông qua các ca lâm sàng là cách khiến sinh viên nắm được bài giảng tốt nhất, dễ hình dung nhất về nghề nghiệp mình sẽ theo đuổi sau này.
Trình độ, năng lực của giảng viên, người dạy cũng bộc lộ rõ ràng nhất thông qua các tình huống thực tế. Cách làm này cũng giúp thúc đẩy sự thay đổi, làm mới kiến thức thường xuyên của giảng viên, khuyến khích họ tìm kiếm phương pháp truyền đạt tốt thay vì sở hữu khối kiến thức lớn nhưng giảng dạy nhàm chán, thiếu hấp dẫn.