Trong 2 tấm hình có 1 tấm Thủ tướng Albanese chụp với ổ bánh mì thịt (đã được cắn một miếng) và một tấm ông đang đứng xếp cuối hàng chờ đến lượt mua bánh mì.
Chỉ vậy thôi nhưng người dân cảm thấy rất thú vị khi nhìn thấy hình ảnh một người quyền lực nhất nước có cuộc sống đời thường bình dị. Vào giờ ăn trưa, thủ tướng với trang phục dân dã, đi lững thững ra góc đường ở gần nhà để mua ổ bánh mì, vừa đi vừa gặm... như mọi người dân khác nên đã thu hút hàng ngàn lời bình luận chỉ trong vòng vài giờ.
Đa số lời bình luận nói đến chuyện bánh mì, trong đó có nick Scott Norro “chê” thủ tướng không phải là dân sành điệu ăn uống ở Australia lắm, vì bây giờ đáng lẽ ra ông phải gọi đúng tên bánh mì, phát âm theo tiếng Việt, chứ không phải bằng tiếng Anh, pork roll (It’s a banh mi, not a pork roll)…
Quay trở về quá khứ, vào đầu thập niên 1960, Australia vẫn là quốc gia theo đuổi chính sách “Người Australia da trắng” (White Australia). Mãi đến năm 1966, chính sách này được hủy bỏ và sau đó nước này mới chấp nhận cho những người không phải da trắng đến định cư.
Sau nhiều biến cố trong lịch sử, Chính phủ Australia đã mở rộng vòng tay đón nhận hàng trăm ngàn người định cư, góp phần thay đổi rõ rệt cấu trúc chủng tộc và văn hóa ở xứ sở chuột túi. Ngoài người Australia da trắng, bây giờ còn có người Australia da vàng, trong đó có khá nhiều người gốc Việt.
Cũng như các cộng đồng khác ở Australia, người gốc Việt đã có nhiều thành công ở nhiều lĩnh vực, trong đó có chuyện ăn uống. Những người Australia xa xưa, họ không biết và dĩ nhiên không thích những món ăn Việt Nam nhưng bây giờ thái độ đối với nét ẩm thực riêng của các nơi đã thay đổi, nhiều người đã mê mẩn món ăn Việt. Những nhà hàng Việt Nam nổi tiếng luôn đông khách và khách chủ yếu là người Australia da trắng, thậm chí muốn ghé nhà hàng Red Lantern ở vùng Surry Hill, bạn phải đặt chỗ cả tháng.
Những món ăn Việt Nam mà ngày xưa người Australia gọi tên bằng tiếng Anh như beef noodle (phở), spring roll (chả giò), pork roll (bánh mì)... bây giờ đã “Việt hóa”. Ví dụ như: “Could I have pho, please” hay nói đơn giản hơn “The pho please !”, hay “Give me banh mi, please”, “I want the CHẢ GIÒ, please”...
Nhiều người bạn ở Australia cho biết, ngày nay họ thích ẩm thực Việt Nam vì cân bằng hơn, không nhiều gia vị nồng (spicy) và ít dầu mỡ. Đây là khuynh hướng ẩm thực của thời đại mới.
Riêng về món bánh mì mà Thủ tướng Albanese vừa giới thiệu trên Facebook là món ăn mà nhiều người Australia có xu hướng lựa chọn cho bữa ăn trưa của mình, thay vì pizza, sushi, spaghetti, hamburger... Giờ nghỉ trưa ở Australia khoảng 30 phút, nhiều người thích tạt vào tiệm bánh mì Việt mua một ổ. Cảnh ai đó vừa đi vừa gặm bánh mì, vừa tán gẫu với bạn bè đã trở thành mốt thời thượng.
Một người đồng nghiệp của tôi đã mô tả về cách ăn món bánh mì thịt Việt Nam như sau: “Cắn một miếng, nghe tiếng giòn rôm rốp của vỏ bánh mì, rồi cảm nhận cái vị ngọt ngọt chua chua cay cay đậm đậm... của đủ thứ nhân ở trong bánh mì thì như cả thiên đàng đang ở trước mắt...”. Đó là chưa kể giá mua một ổ bánh mì khá rẻ so với những món ăn khác, chỉ tương đương khoảng 140.000 VNĐ.
Riêng tiệm bánh mì mà Thủ tướng Anthony Albanese đến mua được nhiều người xem như là tiệm bánh mì Việt ngon nhất ở Australia. Tiệm bánh mì này nằm ở vùng Marrickville, là nơi mà Thủ tướng Albanese sinh sống từ nhỏ và cũng là vùng có rất nhiều người Việt định cư, đứng hàng thứ 3 ở Sydney, sau vùng Cabramatta, Bankstown. Vùng Marrickville cũng là khu vực bầu cử mà Thủ tướng Albanese là người đại diện cho cư dân ở vùng này trong Quốc hội Australia.