Ngược dòng lịch sử, từ khi thành lập Quốc tế I năm 1864, C. Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội lần thứ Nhất của Quốc tế Cộng sản I họp tại Gieneve (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng.
Đến ngày 20/6/1889, dưới sự lãnh đạo của Frederic Engels, Đại hội lần thứ Nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các quốc gia. Từ đó, ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động, là ngày hội của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động.
Tại Việt Nam, sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ tết, lễ kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước sẽ được nghỉ 1 ngày hưởng nguyên lương. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.
Hòa cùng dòng chảy của lịch sử, cuối năm 1946, kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai dần dần khôi phục và ổn định. Các công sở, công xưởng, nhà máy được thành lập và đi vào hoạt động khiến phong trào công nhân, viên chức, lao động của tỉnh ngày càng phát triển mạnh.
Ngày 15/11/1951, Đại hội lần thứ nhất Công đoàn tỉnh Lào Cai được tổ chức tại Soi Mười - Vạn Hòa. Đây là dấu mốc quan trọng để đoàn kết, thống nhất, tập hợp công nhân, người lao động đảm đương trọng trách được Đảng, Nhà nước và của tỉnh giao phó, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Trong giai đoạn này, công nhân, lao động Lào Cai hăng say lao động, sản xuất, góp sức người, sức của để bảo vệ, củng cố hậu phương miền Bắc vững chắc, tăng cường chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thời gian này, nhiều đoàn khảo sát địa chất đã đến khảo sát, thăm dò, phát hiện được các điểm khoáng sản trên địa bàn tỉnh, qua đó khơi dậy, phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp khai khoáng và cũng là nền móng để phát triển đội ngũ công nhân, lao động cả về số lượng, chất lượng của tỉnh.
Nói đến đội ngũ công nhân Lào Cai cần nhắc tới công nhân, lao động Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam, nơi có thế hệ công nhân đầu tiên của tỉnh. Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu trong chuyến thăm mỏ ngày 23/9/1958 “Cán bộ công nhân Mỏ phải đẩy mạnh phong trào thi đua làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ”, thế hệ cán bộ, công nhân đã đoàn kết xây dựng công ty trưởng thành vượt bậc, trở thành doanh nghiệp lớn mạnh của tỉnh với quy mô sản xuất lớn, mục tiêu sản lượng sản xuất quặng apatit đạt 4,5 - 5 triệu tấn/năm, đã đáp ứng nhu cầu sản xuất phân bón và hóa chất của đất nước, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và thực hiện chiến lược an ninh lương thực của Đảng, Nhà nước. Vượt khó, sáng tạo, vươn lên trong sản xuất, đã có hàng trăm cán bộ, công nhân Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam được tặng danh hiệu cao quý, điển hình là Anh hùng Lao động Nguyễn Quý Khang, Chiến sĩ thi đua toàn quốc Phạm Đình Thắc...
Tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 7.000 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp với hàng chục nghìn công nhân, lao động. Đội ngũ công nhân, lao động tỉnh Lào Cai những năm qua sôi nổi tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu như phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”... Riêng phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, đến nay đã có hơn 3.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được áp dụng.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, đội ngũ công nhân, lao động của tỉnh đã tích cực học tập, nâng cao trình độ, tham gia hàng loạt dự án khai thác, chế biến sâu khoáng sản quặng apatit, đồng, sắt, gang thép, hóa chất và phát triển các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp... Sau 32 năm tái lập tỉnh, với bàn tay, khối óc cùng tinh thần vượt khó, nỗ lực không ngừng của đội ngũ công nhân, lao động đã góp phần đưa ngành công nghiệp Lào Cai phát triển vượt bậc, xứng đáng là “đầu tàu” của nền kinh tế tỉnh; tiếp tục khẳng định Lào Cai là trung tâm luyện kim, hóa chất, phân bón hàng đầu của cả nước.
Quan tâm xây dựng đội ngũ công nhân, lao động ngày càng vững mạnh mọi mặt, ngày 21/10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 24 về “Xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” với nhiều giải pháp cụ thể về quan tâm đời sống mọi mặt và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề trong đội ngũ công nhân, người lao động trên địa bàn. Trước đó, ngày 28/9/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Chương trình hành động số 68 về thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong đó có mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, hầu hết công nhân, người lao động tại cơ sở của tỉnh Lào Cai là đoàn viên công đoàn, 99% trở lên doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể…
Hòa cùng tiến trình phát triển của đất nước, của tỉnh, đội ngũ công nhân, lao động Lào Cai đang phát huy tích cực bản chất giai cấp công nhân, giai cấp vô sản, hăng say lao động, góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai ngày càng giàu mạnh.