Hội thảo chuyên đề “Văn hóa, di sản và du lịch” là 1 trong 4 chuyên đề quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (đại diện cho Việt Nam) và thành phố Toulouse (đại diện cho Cộng hòa Pháp) điều hành.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Thị trưởng thành phố Toulouse Jean-Claude Dardelet và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình khẳng định: Hiện có 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã thiết lập quan hệ và có các dự án với các địa phương của Cộng hòa Pháp, trong đó có nhiều dự án hợp tác đạt hiệu quả cao như hợp tác giữa thành phố Hà Nội với Paris và Toulouse, Lào Cai và Thừa Thiên Huế với vùng Nouvelle-Aquitaine, Yên Bái với Val-de-Marne, Cộng đồng đô thị Grand Poitiers với Thừa Thiên Huế… Đây là những cặp đối tác điển hình ở cấp độ địa phương trên các lĩnh vực hợp tác văn hóa, di sản, du lịch.
Việc mở rộng quan hệ hợp tác phi tập trung với các địa phương và tổ chức của hai bên, nhất là tiếp tục tăng cường và phát triển mối quan hệ với các địa phương truyền thống, có kinh nghiệm trên các lĩnh vực phát triển văn hóa, du lịch, phát huy giá trị di sản, đào tạo nguồn nhân lực là rất cần thiết, nhằm phát huy giá trị riêng có của mỗi địa phương.
Tại hội thảo, đại biểu các tỉnh của Việt Nam và Cộng hòa Pháp đã tham luận về các nội dung: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống làm nền tảng cho phát triển du lịch và ngành công nghiệp văn hóa; nâng cao nhận thức về di sản - một vấn đề của Dự án hỗ trợ xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển du lịch bền vững, toàn diện trên địa bàn tỉnh Val-de-Marne; phát huy giá trị di sản vào du lịch; phát triển các không gian sáng tạo tại thành phố Hà Nội.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã tham luận tại hội thảo với chủ đề “Di sản văn hóa với phát triển du lịch ở Lào Cai".
Đồng chí Trịnh Xuân Trường khẳng định: Tỉnh Lào Cai được tái lập cách đây hơn 30 năm (tháng 10/1991), nhưng đã có hơn 20 năm hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các vùng lãnh thổ thuộc Cộng hòa Pháp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong chương trình hợp tác với vùng Nouvelle-Aquitane đã đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học, văn hóa, du lịch, quy hoạch và kiến trúc…
Trong đó, Chương trình hợp tác nghiên cứu di sản văn hóa, du lịch được đánh giá là một trong những nội dung hợp tác hết sức thành công, góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt - Pháp. Một trong những chương trình hợp tác đầu tiên trong lĩnh vực văn hóa là nội dung nghiên cứu về Khu chạm khắc đá cổ Sa Pa giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai với Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (viết tắt là EFEO) tại Hà Nội năm 2006. Giai đoạn 2008 - 2011, UBND tỉnh Lào Cai đã giao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các chuyên gia Pháp tại Viện Nghiên cứu cao cấp về khoa học xã hội vùng Marseille tiến hành nghiên cứu về cộng đồng người Tày ở Nghĩa Đô (Bảo Yên) và một số dân tộc ở Sa Pa.
Từ năm 2012 đến nay, vùng Nouvelle-Aquitaine đã hỗ trợ tỉnh Lào Cai trong các hoạt động như tư vấn thiết kế trưng bày bảo tàng theo hướng hiện đại trên cơ sở các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; phương án cải tạo cảnh quan và thiết kế trưng bày các không gian chức năng của Nhà du lịch Sa Pa và Dinh Hoàng A Tưởng ở Bắc Hà; hỗ trợ tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ bảo tàng về thiết kế trưng bày hiện vật, đồ họa, phục chế hiện vật; đào tạo tiếng Pháp cho hơn 500 cán bộ và con em các dân tộc tại Lào Cai.
Trong lĩnh vực thể thao, đã thực hiện chương trình đào tạo đối với 3 nội dung: Đào tạo hướng dẫn viên trượt thác (Canyoning), bơi thuyền Kayak và xe đạp địa hình. Hiện nay, các học viên của tỉnh Lào Cai đã hoàn thành xuất sắc các nội dung theo yêu cầu và có thể đào tạo cho các vận động viên khác.
Trong lĩnh vực du lịch, đã hỗ trợ xây dựng quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai, Nhà du lịch Sa Pa và Dinh thự Hoàng A Tưởng (Bắc Hà) trở thành trung tâm diễn giải, giới thiệu về văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong vùng. Cho đến nay, mô hình diễn giải đã được vận hành, các nhân viên làm việc tại hai địa điểm này đều nắm rõ các nội dung, quy trình và kỹ thuật vận hành các nhà du lịch khi đưa vào sử dụng.
Tỉnh Lào Cai luôn xác định bản sắc văn hóa các dân tộc không chỉ là di sản mà còn là tài sản, là nguồn tài nguyên quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Những năm qua, cùng với việc phát huy hiệu quả các giá trị của các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đã góp phần đưa ngành du lịch Lào Cai có bước tăng trưởng mạnh mẽ, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn “đột phá” trong phát triển kinh tế, hằng năm đóng góp hơn 10% GRDP của tỉnh, duy trì đà tăng trưởng trên 25%/năm, dự kiến năm 2023 Lào Cai sẽ đón hơn 6 triệu lượt khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
Do vậy, tỉnh Lào Cai mong muốn và đề nghị Chính phủ Pháp, vùng Nouvelle-Aquitaine trong thời gian tới tiếp tục hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ Lào Cai có được những sản phẩm mới, những giải pháp hữu hiệu để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện các mục tiêu Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.