Dự phiên khai mạc, về phía Việt Nam có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; đại biểu bộ, ban, ngành và thành phố Hà Nội.
Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai tham dự hội nghị có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn và lãnh đạo các ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại vụ, Du lịch, Văn hóa - Thể thao, Giao thông vận tải và Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai, UBND huyện Bắc Hà, Vườn Quốc gia Hoàng Liên...
Về phía đại biểu Pháp, có Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề xã hội và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện Pháp, Đại diện của Chủ tịch Thượng viện Pháp, Trưởng đoàn chính thức các địa phương Pháp Catherine Deroche; Đại sứ đặc trách Ngoại vụ địa phương, Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean - Paul Guihaumé; Phó Thị trưởng Toulouse, Ủy viên Ban Điều hành Hiệp hội các địa phương Pháp Jean-Claude Dardelet; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thông qua hội nghị đã thống nhất được chủ đề chính với những hội thảo chuyên đề, thể hiện rõ yêu cầu, đồng thời cũng là thách thức cho các địa phương Việt Nam và Pháp trong bối cảnh mới; hướng tới tìm kiếm, xác định nhận thức chung và mục tiêu cho phát triển hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp trong những năm tiếp theo.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin, Thủ đô Hà Nội vinh dự tổ chức Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12, đây là sự kiện có quy mô lớn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.
Với chủ đề “Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch Covid-19”, hội nghị nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19. Trên cơ sở quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước cũng như lãnh đạo các địa phương Việt Nam và Pháp để cùng chung sức ứng phó và tìm ra những giải pháp hợp tác hữu hiệu trước những thách thức toàn cầu hiện nay.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, việc tổ chức Hội nghị 12 tại thành phố Hà Nội cũng có ý nghĩa lịch sử quan trọng khi đây là địa phương đầu tiên của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác với Ile-de-France của Pháp, mở đầu cho hàng loạt các tiếp xúc, kết nối giữa địa phương hai nước.
Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 là dịp tổng kết, đánh giá kết quả những nội dung đã triển khai hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp; trao đổi những khó khăn, thách thức và đưa ra giải pháp nhằm tăng cường thúc đẩy, triển khai thực hiện chính sách quan hệ hợp tác, liên kết và thiết lập quan hệ đối tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy” giữa Việt Nam và Pháp; củng cố và tăng cường mối quan hệ sẵn có, đồng thời mở rộng các mối quan hệ đối tác mới.
Đại diện thành phố Toulouse điểm lại kết quả Hội nghị lần thứ 11, vai trò của cơ chế hợp tác phi tập trung. Các tham luận tại hội nghị đã khẳng định hợp tác địa phương nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước những cuộc khủng hoảng, là một trong những động lực phục hồi phát triển kinh tế và giao lưu trao đổi giữa hai đất nước. Trong đó, điểm nhấn là phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19; y tế cộng đồng và quản trị các cuộc khủng hoảng về y tế.
Buổi chiều cùng ngày diễn ra 4 hội thảo. Đó là Hội thảo “Đô thị bền vững” bàn về quy hoạch và quản lý đô thị, giao thông công cộng, các vấn đề đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Hội thảo “Văn hóa, di sản và du lịch,” nhằm chia sẻ về lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản (vật thể và phi vật thể), phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, hợp tác phát triển du lịch.
Hội thảo “Môi trường, nước và xử lý nước” trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực: Bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí, chống biến đổi khí hậu, xử lý rác thải, nước thải, cung cấp nước sạch, giảm thiểu, tái chế rác thải, kinh tế tuần hoàn…
Hội thảo “Thành phố thông minh - số hóa” với nội dung xoay quanh việc chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị địa phương, sử dụng trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), công nghệ thông tin… để tối ưu hóa hiệu quả dịch vụ công của thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Hiệu quả hợp tác giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp)
Trên cơ sở quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước Cộng hòa Pháp và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác thông qua hợp tác phi tập trung, vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) và tỉnh Lào Cai (Việt Nam) đã thảo luận, thống nhất ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tiên vào ngày 18/11/2002. Đến nay, hoạt động hợp tác vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) và tỉnh Lào Cai (Việt Nam) đã thực hiện được hơn 20 năm và trải qua 5 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2002 - 2008) với nội dung chủ yếu tập trung vào hợp tác nghiên cứu khảo nghiệm phát triển tập đoàn cây ăn quả ôn đới có nguồn gốc từ Pháp và tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật phát triển du lịch tỉnh Lào Cai.
Giai đoạn 2 (2009 - 2012) tập trung tiếp tục hợp tác quy hoạch mở rộng đô thị Sa Pa; hợp tác lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật để duy trì và triển khai các nội dung hợp tác du lịch giai đoạn 1, phát triển du lịch sinh thái, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ ngành du lịch và dạy tiếng Pháp.
Giai đoạn 3 (2013 - 2016) tiếp tục các nội dung hợp tác về quy hoạch đô thị gắn với phát triển du lịch; phát triển du lịch và quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ du lịch tại Pháp, nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới tại Bắc Hà, đào tạo tiếng Pháp.
Giai đoạn 4 (2017 - 2019) tập trung vào hợp tác lĩnh vực văn hóa và dạy tiếng Pháp.
Đang thực hiện giai đoạn 5 (2020 - 2023): Thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Lào Cai (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) giai đoạn 2020 - 2023 được ký kết ngày 4/2/2021 tại tỉnh Lào Cai và ngày 29/3/2021 tại vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp). Căn cứ vào nội dung Thỏa thuận, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch 240/KH-UBND ngày 19/5/2021 về việc triển khai “Thỏa thuận khung hợp tác giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) giai đoạn 2020 - 2023”.
Đánh giá về hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và vùng Nouvelle Aquitaine cho thấy, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đối ngoại đảm bảo đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hoạt động đối ngoại và quản lý hoạt động thông tin đối ngoại; góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người Lào Cai đến với bạn bè trong nước, quốc tế và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các nội dung hợp tác quốc tế về văn hóa, du lịch với vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) cơ bản đã được tổ chức triển khai, thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả tương đối tốt. Các cán bộ chuyên trách với trình độ tiếng Anh và tiếng Pháp thuận lợi cho công tác trao đổi thông tin, hoàn thành công việc theo tiến độ công việc được giao và đảm bảo mọi điều kiện nhập cảnh, làm việc cho các đoàn chuyên gia và nghiên cứu sinh người Pháp. Các chuyên gia, nghiên cứu sinh của vùng Nouvelle Aquitain cử đến tâm huyết, nhiệt tình và có trình độ chuyên môn sâu trong việc thực hiện và triển khai các hạng mục trong từng nội dung hợp tác. Thường xuyên có các cuộc trao đổi và đưa ra các đề xuất chuyên nghiệp trong việc phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, quảng bá các di sản văn hóa, lịch sử tại Nhà du lịch Sa Pa và dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà).
Lĩnh vực nông nghiệp và đào tạo được chú trọng, giúp kinh tế và kỹ thuật canh tác của người dân tộc thiểu số được cải thiện, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, quản lý bền vững các hệ sinh thái nông nghiệp cũng như chuyển giao các kỹ năng về kỹ thuật sản xuất nông - lâm nghiệp gắn liền với việc bảo tồn nguồn gen bản địa.