Nhiều chỉ số tích cực
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong tháng 10/2024 và 10 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Sản xuất nông, lâm nghiệp cơ bản hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch. Sản xuất công nghiệp tiếp tục được duy trì. Hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động. Du lịch phát huy vai trò mũi nhọn, lượng du khách tới các điểm tham quan tăng cao. Giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đặc biệt là hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của bão số 3. Hoạt động giáo dục đạt nhiều thành tích nổi bật. Công tác y tế tiếp tục được tập trung hoàn thiện hạ tầng tuyến cơ sở.
Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa xuân đạt hơn 61 tạ/ha, sản lượng đạt 60.300 tấn; năng suất lúa mùa đạt 49,84 tạ/ha; sản lượng cây ngô xuân đạt 45.700 tấn; cây ngô vụ mùa đang thu hoạch với năng suất ước đạt 39,9 tạ/ha. Hiện ngành nông nghiệp đang đôn đốc bà con sản xuất vụ thu - đông năm 2024 với diện tích 4.480 ha. Tình hình chăn nuôi, thủy sản phát triển ổn định.
Về xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 204 thôn kiểu mẫu.
Giá trị sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay đạt 36.750 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 ước đạt 3.750 tỷ đồng, tính từ đầu năm đạt 35.850 tỷ đồng. Tổng giá trị xuất - nhập khẩu hàng hóa tháng 10 đạt 258 triệu USD, từ đầu năm đến nay đạt 3.003 triệu USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng lượng khách đến các điểm du lịch từ đầu năm đến nay đạt 6,76 triệu lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 22.370 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 10/2024 đạt 8.298 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023; nguồn tín dụng huy động tại địa bàn đạt 49.800 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với năm 2023.
Toàn tỉnh có 9.988 ngôi nhà diện dột nát, xuống cấp
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày tại phiên họp, kết quả rà soát theo Đề án của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 8.227 nhà thuộc diện dột nát, xuống cấp. Tuy nhiên, qua rà soát mới đây, con số nâng lên 9.988 nhà (làm mới 6.741 nhà, sửa chữa 3.247 nhà), tăng 1.761 nhà so với thống kê ban đầu.
Nguyên nhân tăng chủ yếu do cảm quan xác định hộ gia đình đảm bảo “3 cứng” nên không đưa vào danh sách nhưng thực tế chưa đạt chuẩn; một phần khác do có thêm các ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.
Về nguồn lực thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, tổng nhu cầu khi thực hiện Đề án của UBND tỉnh là 301 tỷ đồng, sau khi có điều chỉnh mức hỗ trợ đối với mỗi hộ thì nhu cầu vốn tăng lên 337 tỷ đồng.
Hiện tổng kinh phí đã huy động để triển khai đạt 373,8 tỷ đồng, trong đó vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 200 tỷ đồng, Quỹ vì người nghèo là 63 tỷ đồng, Tập đoàn Masan nhận hỗ trợ 100 tỷ đồng. Với nguồn lực này, so với số nhà ở phát sinh cần hỗ trợ thì kinh phí cần thêm 56 tỷ đồng.
Về tiến độ, toàn tỉnh đến nay đã khởi công được 3.053 nhà trong số 5.582 nhà tạm, nhà dột nát theo kế hoạch năm 2024, có 1.909 nhà hoàn thành.
Quan tâm phòng chống lãng phí
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đề cập tới các vấn đề nội tại như tình trạng đùn đẩy, né tránh, chậm trễ trong nhiều công việc đang gây ra tình trạng lãng phí về nguồn lực, lãng phí về thời gian của các cơ quan trong hệ thống chính trị và của xã hội.
Tình trạng lãng phí không chỉ xảy ra với tài sản Nhà nước, nguồn lực đầu tư công mà còn gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu ví dụ: Có dự án doanh nghiệp đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng do vướng mắc khi khai thác, đưa vào sử dụng đã gây lãng phí nguồn lực lớn của xã hội, gây mất niềm tin với nhà đầu tư. Do vậy, yêu cầu các cấp, ngành rà soát các phần việc, chương trình, kế hoạch, dự án để có hướng giải quyết; tránh sự dở dang, chậm trễ triển khai và tiến độ đầu tư gây lãng phí các nguồn lực, kéo lùi sự phát triển.
Nhiệm vụ chính trị từ nay đến hết năm 2024 còn rất lớn, nhiều chỉ tiêu quan trọng chưa đạt như kỳ vọng, do đó đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nội dung mang tính xương sống, trong đó có nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Để hoàn thành, các cấp, ngành phải sâu sát, có báo cáo trung thực, tránh bệnh thành tích như bài học về số người nghiện ma túy trên địa bàn và số nhà tạm, nhà dột nát, gây khó khăn trong công tác điều hành, quản lý.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu mọi đề xuất, giải pháp đều phải xuất phát từ yêu cầu thực tế; tránh đùn đẩy, né tránh và thực tế không cần thiết nhưng vẫn xin ý kiến nhiều nơi gây ra sự chậm trễ trong giải quyết nhiệm vụ.
Đã nói là phải làm, phải giữ lời. Đã kết luận là phải thực hiện. Có những kết luận của Thường trực UBND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay vẫn chưa triển khai, đó là một biểu hiện của sự lãng phí. Liên quan đến ngành nào, cơ quan nào thì phải có sự chủ động giải quyết, báo cáo.
Cũng trong bài phát biểu kết luận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu nhiệm vụ mà các ngành, cơ quan, đơn vị, các cấp cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Đó là rà soát, đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; giải ngân vốn đầu tư công; giải phóng mặt bằng, tháo các “điểm nghẽn”, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án trọng điểm của tỉnh, của quốc gia trên địa bàn. Bên cạnh đó, giải quyết tốt các vấn đề về an sinh, xã hội, trong đó có việc chăm lo đời sống mọi mặt, việc làm cho hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.