Bác sỹ Vũ Lê Thủy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Thời gian này, chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị nhiễm vi-rút RSV, còn gọi là vi-rút hợp bào hô hấp. Vi-rút này là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh đường hô hấp như viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với nhiễm trùng do vi-rút RSV. Để phòng bệnh, người dân cần cho trẻ tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh, chăm sóc dinh dưỡng, hạn chế đến nơi đông người, vệ sinh sạch sẽ nơi ở và các vật dụng trẻ hay cầm, nắm. Phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sỹ khám và điều trị, tránh tự ý điều trị kháng sinh tại nhà.
Chị Nguyễn Thị Hậu (xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng) chăm con nhỏ gần 2 tháng tuổi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Con chị Hậu vào viện trong tình trạng sốt, ho, rút lõm lồng ngực. Sau khi thăm khám, bác sỹ chẩn đoán con chị bị viêm phổi. Chị Hậu cho biết: Con đang được bác sỹ điều trị truyền kháng sinh và các triệu chứng đã đỡ hơn nhiều, không còn quấy khóc.
Để tránh lây nhiễm chéo, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phân phòng bệnh theo các mặt bệnh. Những bệnh nhân nhiễm vi-rút cúm được điều trị tại phòng bệnh riêng. Bác sỹ Nguyễn Thanh Thủy cho biết: Trẻ có sức đề kháng kém nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm A, cúm B. Bệnh nhi có các biểu hiện bệnh như sốt cao, ho khan, viêm họng, nghẹt mũi, đau đầu, nôn… Hiện nay đã có vắc-xin phòng cúm, phụ huynh có thể đưa con đến các phòng tiêm chủng dịch vụ để được tiêm chủng phòng bệnh chủ động.
Thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế, ngành y tế Lào Cai tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng và vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch.
Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố hiện đang đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng. Bên cạnh đó, truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, các trạm y tế tăng cường truyền thông các biện pháp phòng bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của từng địa phương.
Sắp đến thời điểm học sinh tập trung trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn đến sức khỏe của trẻ, chủ động cho trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh và chú ý chế độ dinh dưỡng nhằm đảm bảo sức khỏe, sức đề kháng cho trẻ.