Bệnh nhân Lý T.D., sinh năm 2015, ở Bản Nà Phung, xã Tân Tiến, ngày 14/7/2024 có triệu chứng sốt, đau đầu, 2 chân tê bì, gia đình đã đưa đến khám tại Phòng khám Đa khoa khu vực Nghĩa Đô, sau đó mua thuốc về uống không đỡ. Ngày 15/7/2024, gia đình đưa bệnh nhân sang Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang khám và điều trị nhưng sau 2 ngày, bệnh nhân chuyển biến nặng, hôn mê và tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị, tuy nhiên bệnh nhân tiến triển nặng và hôn mê sâu, ngày 25/7, gia đình đưa về Lào Cai điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai. Sáng 29/7, tình trạng bệnh nhân nguy kịch, đến 14 giờ ngày 29/7/2024, bệnh nhân đã tử vong tại nhà.
Một trường hợp khác là bệnh nhân Sùng Đ.T., sinh năm 2021, ở Bản Cau, xã Tân Dương. Ngày 17/7, Sùng Đ.T. xuất hiện sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, gia đình đưa đi khám nhưng không đỡ. Ngày 20/7, trẻ sốt cao, co giật nên gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên khám và điều trị, nhưng không có tiến triển. Ngày 21/7/2024, bệnh nhi được chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai.
Ngày 15/7, bệnh nhân Hầu T.L. , sinh năm 2019, ở thôn 9 Mai Đào, xã Thượng Hà được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng trong tình trạng sốt cao. Bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị, đến ngày 17/7, bệnh nhi được chuyển sang Khoa Nhi, Bệnh viện Sản - nhi tỉnh điều trị với chẩn đoán viêm não Nhật Bản, nhiễm trùng máu. Sau hơn 10 ngày điều trị, bệnh nhi Sùng Đ.T., Hầu T.L. đều đã ổn định sức khỏe và được ra viện, tuy nhiên, bệnh đã để lại nhiều di chứng.
Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên đã điều tra dịch tễ, xác minh các ca mắc viêm não Nhật Bản trên địa bàn; điều tra, giám sát các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, hướng dẫn họ theo dõi sức khỏe. Khoa Kiểm soát bệnh tật phối hợp với trạm y tế các xã Tân Tiến, Tân Dương, Thượng Hà giám sát chặt chẽ tại nhà bệnh nhân sinh sống và các hộ xung quanh để phát hiện sớm các ca nghi mắc.
Bà Bàn Thị Vân, Trưởng Trạm Y tế xã Thượng Hà cho biết: Chúng tôi đã triển khai giám sát dịch, lập danh sách 6 người thân ở cùng bệnh nhân và 7 hộ xung quanh. Đến nay, trên địa bàn xã không ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản mới. Cán bộ Trạm Y tế xã cũng đã đến gia đình hướng dẫn chăm sóc, phục hồi chức năng tại nhà cho trẻ.
Các ban, ngành trên địa bàn các xã, thị trấn huyện Bảo Yên cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng... Các xã có bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản đã huy động các ban, ngành, đoàn thể, trưởng thôn, y tế thôn, bản hỗ trợ gia đình bệnh nhân trong việc vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, diệt nơi trú ngụ sinh sản của muỗi; tuyên truyền cho người dân trong vùng cách nhận biết về bệnh viêm não Nhật Bản, cách phòng tránh, chăm sóc người bệnh bị bệnh viêm não Nhật Bản, giúp người dân có thể phát hiện sớm ca bệnh mới để thông báo kịp thời cho y tế cơ sở.
Nguồn gây bệnh chủ yếu từ các loài chim hoang dã và các loài gia súc. Một số dấu hiệu khởi phát của bệnh là sốt cao kèm các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cổ cứng, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê...
Theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân cần chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản bằng cách đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin đủ mũi và đúng lịch. Cần cho trẻ tiêm nhắc lại 3 năm một lần hoặc sử dụng các loại vắc-xin dịch vụ khác phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Trong thời điểm học sinh bước vào năm học mới, các cơ sở giáo dục cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có viêm não Nhật Bản; tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về biện pháp phòng, chống bệnh; tổ chức các chiến dịch diệt muỗi, diệt loăng quăng tại trường học, khu ở bán trú của nhà trường.