Hiện nay, ngày càng nhiều các hội nhóm trên mạng xã hội chia sẻ cách quỵt nợ vay tín dụng. Nhiều người muốn quỵt nợ đang đánh đồng méo mó hình thức vay trực tuyến, cho rằng tất cả đều không chính thống và cứ thoải mái "bùng tiền". Nhưng không dừng ở đó, "bùng nợ" không chỉ bằng các thông tin giả mạo mà đã có những trường hợp người vay quyết trốn nợ, thậm chí hành hung ngược lại người đòi nợ.
Tuyên bố không trả khoản vay, chửi bới, thậm chí đuổi đánh… là những khó khăn mà nhân viên thu hồi khoản vay gặp phải khi khách hàng không hợp tác.
Từ năm 2022 đến nay có tới 24 vụ việc nhân viên thu hồi khoản vay của một công ty tài chính bị đe dọa, hành hung. Gần một nửa vụ việc các đối tượng gây thương tích nghiêm trọng. Dù cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý nhưng ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động của các tổ chức tài chính. Kết thúc nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp này thua lỗ gần 3.000 tỉ đồng.
Còn với một công ty công nghệ tài chính cho vay tiêu dùng, mỗi tháng cũng phải chịu lỗ hàng chục tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ khách vay không trả nợ, thậm chí rủ nhau "bùng nợ" ngày càng cao. Các công ty tài chính hiện không dám mạnh tay cho vay tiêu dùng vì lo khó thu hồi nợ.
Theo các chuyên gia, chính những hành vi tham gia hội nhóm "bùng nợ vay trực tuyến" đã khiến thị trường vay tiêu dùng khó càng khó. Phân khúc khách hàng mục tiêu sụt giảm, tỷ lệ trả nợ thấp. Các công ty tài chính chính thống thì cân nhắc cho vay mới, từ đó tín dụng đen lại có cơ hội tung hoành khi cánh cửa tiếp cận nguồn vốn vay chính thức ngày càng bó hẹp.