
Phó Thủ tướng Lê Thành Long thay mặt Thủ tướng Chính phủ điều hành Phiên họp. Cùng dự có các Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Sau khi nghe các bộ, cơ quan trình bày Tờ trình tóm tắt về các Dự án Luật; báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định về các Dự án Luật…, các thành viên Chính phủ thảo luận sôi nổi về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Luật; nội dung chính sách cơ bản của các dự án Luật, nhất là những nội dung mới, mang tính đột phá nhằm tạo hành lang pháp lý và khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển; tính đồng bộ của quy định; kinh nghiệm quốc tế…
Đối với dự án “Luật tình trạng khẩn cấp”, các thành viên Chính phủ cho rằng, tình trạng khẩn cấp là trạng thái xã hội đặc biệt được thiết lập khi tính mạng của nhân dân, tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, quốc phòng, an ninh quốc gia đến mức phải áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, khắc phục hậu quả xảy ra để nhanh chóng ổn định tình hình. Các đại biểu đề xuất căn cứ tính chất, mức độ quy định thẩm quyền, trách nhiệm công bố tình trạng khẩn cấp với mức độ, phạm vi phù hợp.
Tại dự án “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa”, các đại biểu thảo luận nội dung chính sách liên quan đến quy định về đổi mới việc xác định sản phẩm hàng hóa và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; hội nhập quốc tế và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế, phù hợp thông lệ quốc tế; vai trò, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm soát viên chất lượng; phân công, phân cấp quản lý để phù hợp tình hình thực tế.
Đối với dự án “Luật đường sắt sửa đổi”, Chính phủ thảo luận sôi nổi về kết cấu hạ tầng đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; về kinh doanh đường sắt; quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt… Đặc biệt, các thành viên Chính phủ đề nghị hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách phát triển đường sắt đảm bảo phát huy vai trò giao thông vận tải đường sắt, đáp ứng yêu cầu hiện đại, đồng bộ. Đồng thời đảm bảo sự tương thích với các điều ước quốc tế; mục tiêu, lợi ích, giá trị, nguồn lực phát triển đường sắt; phát triển kết cấu hạ tầng, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt; tăng cường công tác phân quyền, huy động tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt…
Đối với dự án “Luật tương trợ tư pháp về dân sự”, các thành viên Chính phủ cho rằng, việc hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự đáp ứng tình hình mới của Việt Nam và quốc tế. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong việc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự; hoàn thiện quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.
Các đại biểu làm rõ và bổ sung nội dung liên quan phạm vi tương trợ tư pháp; quy định về giá trị pháp lý của kết quả tương trợ tư pháp do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện và quy định về áp dụng pháp luật nước ngoài. Cùng với đó là quy định việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế tương trợ tư pháp về dân sự; cơ chế để từng bước xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ để giảm tải công việc cho cơ quan nhà nước, rút ngắn thời gian thực hiện; phương thức thực hiện tương trợ tư pháp mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự…
Các đại biểu cho rằng, việc việc xây dựng “Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù” là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, để tạo cơ sở pháp lý hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Do đó, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về nguyên tắc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; áp dụng nguyên tắc có đi có lại; các trường hợp đặc biệt khi xem xét điều kiện về thời hạn chưa chấp hành án phạt tù; điều kiện hợp lệ của hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù…
Các thành viên Chính phủ cho rằng, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết để đáp ứng nhu cầu bảo vệ, sử dụng dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; ngăn chặn hành vi xâm phạm dữ liệu; tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động kinh doanh dữ liệu cá nhân và đảm bảo hài hòa với thông lệ, quy định quốc tế trong lĩnh vực này.
Phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và nhiều luật khác nhau. Do đó cần quy định chi tiết các thuật ngữ pháp lý liên quan tới dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu; quy định bảo đảm các điều kiện, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Cùng với thảo luận, cho ý kiến và kết luận đối với từng nội dung các dự án Luật, kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, các dự án luật này có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp ở các lĩnh vực hình sự, dẫn độ, chuyển giao người chấp hành án phạt tù; tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp. Đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, tạo ra không gian mới phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị; bảo vệ dữ liệu cá nhân; góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và tương thích với pháp luật quốc tế…
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao ý kiến phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, có chất lượng của các thành viên Chính phủ và các đại biểu tham dự Phiên họp. Đồng thời yêu cầu những Bộ chủ trì các dự án Luật tiếp thu ý kiến, khẩn trương hoàn thiện các dự án Luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5-2025.
Các Bộ rà soát kỹ nội dung, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật khác, tương thích các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết; tăng phân cấp phân quyền, rõ trách nhiệm; cắt giảm thủ tục hành chính. Các luật đảm bảo ngắn gọn, súc tích, chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, vấn đề cụ thể giao Chính phủ quy định hướng dẫn thi hành; nguyên tắc áp dụng luật khi luật khác có quy định khác thì áp dụng quy định có mức cao hơn, mới hơn...