Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng khi xã có chủ trương vận động người dân hiến đất mở đường và làm các công trình phúc lợi khác, ông Hà Văn Thiệp ở thôn Chiềng 1+2 vẫn sẵn sàng hiến đất, góp công.
Ông Thiệp bộc bạch: Với nông dân thì đất đai là tài sản quý giá nhất, tuy nhiên làm đường là để phục vụ gia đình mình và người dân trong thôn, muốn ra chợ bán - mua cái gì cũng tiện. Nếu ai cũng vì lợi ích riêng thì tuyến đường khó được hoàn thành.
Được biết, ông Hà Văn Thiệp đã tự nguyện cắt bỏ 20 m2 ruộng lúa đang trổ bông, 1 ao cá 40 m2 và 140 m2 đất thổ cư để mở đường. Mấy hôm nay, bà con trong thôn đang giúp sức dịch chuyển và tu sửa lại ngôi nhà gỗ để gia đình ông Thiệp tiếp tục sử dụng.
Cùng với gia đình ông Thiệp, nhiều hộ trong thôn cũng tự nguyện hiến một phần diện tích đất ở, đất vườn, đất ruộng... giải phóng mặt bằng để làm đường liên thôn rộng 5 m, dài 1,4 km.
Ông Vấn Văn Hiệp, Bí thư Chi bộ thôn Chiềng 1+2 cho biết: Thôn có 93 hộ, chủ yếu là bà con dân tộc Tày sinh sống, có 15 hộ đã tự nguyện cắt bỏ lúa, dịch rào, tháo ao, hiến đất để giải phóng mặt bằng, giúp tuyến đường sớm được thi công. Nhìn vào con đường thôn nhỏ hẹp trước kia nay trở nên rộng rãi, tới đây còn được đổ bê tông sẽ thuận tiện cho xe ô tô vào đến tận cửa, người dân trong thôn đều phấn khởi và sẵn sàng góp công, góp của để công trình hoàn thành.
Phong trào “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất” được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Chiềng Ken phát động từ tháng 10/2023, được thực hiện sôi nổi ở tất cả các thôn. Thời gian qua, người dân trên địa bàn xã đã hiến gần 40.000 m2 đất và nhiều tài sản, cây cối, hoa màu trên đất; đóng góp hàng nghìn ngày công lao động và hàng trăm triệu đồng phục vụ thi công mở rộng nền đường, rải cấp phối mặt đường và đổ bê tông đường giao thông nông thôn.
Xác định tuyên truyền, vận động là khâu “then chốt”, vì vậy Chiềng Ken đã tổ chức triển khai, quán triệt các văn bản hướng dẫn với nhiều hình thức như thông qua các hội nghị, cuộc họp giao ban xã, họp thôn, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, thông qua sách, báo, hệ thống loa truyền thanh... Qua đó, người dân hiểu được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới nên tích cực hiến đất, đóng góp ngày công lao động thực hiện các công trình công cộng; chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Từ việc huy động xã hội hóa, hơn 6 km đường trục thôn, liên thôn trên địa bàn xã đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí giao thông. Để đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, xã tuyên truyền, vận động các hộ vệ sinh nhà ở, đường làng, ngõ xóm, chủ động phân loại rác thải để xử lý. Các thôn cũng thực hiện việc mai táng phù hợp với phong tục địa phương, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Để đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã tuyên truyền, vận động các thôn huy động sức dân tu sửa, nâng cấp nhà văn hóa, trồng cây xanh, hoa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Cùng với đó, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội, quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc ở nông thôn; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông và đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo rà soát của xã Chiềng Ken, tính đến tháng 6/2024, xã đã đạt thêm 3 tiêu chí, còn 2 tiêu chí chưa đạt là trường học và giao thông. Trong đó tiêu chí giao thông đang được các thôn và đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện, nếu thời tiết thuận lợi, việc bê tông các tuyến đường sẽ hoàn thành trong tháng 8. Đối với tiêu chí trường học, huyện đã có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp phòng chức năng và phòng chờ giáo viên của trường mầm non và trường tiểu học, dự kiến tiêu chí này cũng sẽ đạt trong tháng 8, trước khi bước vào năm học mới.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự chung tay của người dân, tin rằng xã Chiềng Ken sẽ đạt các tiêu chí còn lại, “về đích” nông thôn mới trong năm 2024.