Trước khi mở cơ sở gia công cơ khí riêng tại nhà, anh Trán từng là công nhân cơ điện của xưởng cơ khí Phú Lâm (Q.6, TP.HCM). Bếp nấu bằng năng lượng mặt trời ra đời là kết quả sự tích lũy kinh nghiệm mà anh học hỏi được từ sách báo và thời gian anh làm công nhân cơ điện. Đây là công trình đã đoạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật TP.HCM 2007.
Anh Trán tâm sự: "Tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, cả thế giới đang quan tâm
Chiếc bếp gồm 4 phần chính: phần thu nhiệt, phần dẫn nhiệt, phần tiếp nhận và sử dụng, phần điều khiển. Trong đó, phần dẫn nhiệt được cấu tạo từ vật liệu đồng, có chức năng tiếp nhận nhiệt từ phần thu nhiệt và truyền tới bếp nấu. Phần bếp nấu được thiết kế bằng nhôm, phía trong được lót một lớp mút xốp để tránh thoát nhiệt. Phần thu nhiệt được làm từ miếng nhôm uốn cong hình parabol. Miếng nhôm này được đặt theo hướng đông - tây, tự động xoay theo hướng mặt trời để hấp thu năng lượng ở mức cực đại. Đến một điểm chết cố định, bộ phận này sẽ nghỉ nguyên đêm, sáng lại tự động quay về hướng mặt trời để thực hiện một chu kỳ mới. Nguyên lý vận hành này dựa trên sự phối hợp ăn ý giữa hướng đi mặt trời và thời gian nên dù mưa hay gió cũng không bị ảnh hưởng. |
đến việc sử dụng năng lượng mặt trời thay thế dần năng lượng từ khoáng sản". Từ năm 2004, anh Trán bắt đầu có ý tưởng sáng chế chiếc bếp này, nhưng phải sau nhiều lần thiết kế rồi thất bại, rồi chỉnh sửa, đến cuối năm 2006 mới hoàn tất. Theo lời kể của anh, chiếc bếp ban đầu được thiết kế rất cồng kềnh, nhưng đã gọn hơn qua 9 lần chỉnh sửa nhằm giảm giá thành thiết kế và tiện lợi khi sử dụng.
Điểm đặc biệt của chiếc bếp này là có thể đặt ở nơi mát để nấu nướng, khắc phục được nhược điểm của các loại bếp sử dụng năng lượng mặt trời khác là phải nấu trực tiếp ngoài ánh nắng mặt trời (phần thu nhiệt được đặt trên mái tôn, nhưng phần bếp nấu được đặt trong lan can nhà, nơi có bóng mát). Nhiệt độ lúc cao nhất trong bếp có thể lên tới 180 độ C, có thể giữ nhiệt từ 2 - 3 giờ đồng hồ sau khi hết nắng. Theo kinh nghiệm nấu tại nhà, anh Trán cho biết, nếu nắng tốt thì nấu 4 lít nước chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ, nấu 3 lon gạo trong khoảng 45 phút.
Thông thường nếu ngày nắng bình thường, từ 7 - 8 giờ sáng là thời gian bếp tích điện, 9- 10 giờ sáng là bắt đầu nấu. Buổi chiều khoảng từ 2 - 3 giờ là thời điểm nhiệt độ cao nhất. Ngoài thời gian đó, lượng nhiệt còn lại vẫn có thể sử dụng để nấu nước tắm hoặc hâm lại thức ăn. Chi phí cho cái bếp anh đang sử dụng ở nhà khoảng chừng trên 3 triệu đồng (thời điểm thiết kế vào đầu năm 2007).
"Tuy nhiên, do ánh nắng mặt trời có tính chất phân tán nên khi sử dụng sẽ bị tổn thất nhiệt độ trên đường đi, khả năng tích điện để sử dụng vào buổi tối cũng chưa thực hiện được. Khả năng tích nhiệt chậm nên nếu nấu các món chiên, xào cũng không ngon như bếp điện, gas. Nếu cải thiện được vấn đề này, bổ sung vài chi tiết công nghệ, thì bếp này có thể triển khai để sử dụng đại trà", anh Trán nói và tiếp tục suy tính kế hoạch cải tiến sản phẩm sắp tới.
(Theo TNO)