Tại Bắc Phi, Algeria đang nỗ lực kiểm soát các đám cháy rừng lan rộng bên bờ biển Địa Trung Hải. Nước này vừa ghi nhận 34 trường hợp, trong đó có 10 binh sĩ, thiệt mạng do các đám cháy rừng tại vùng núi Béjaïa và Bouïra. Các đám cháy buộc chính quyền Algeria đóng cửa 2 cửa khẩu tại biên giới giáp Tunisia.
Cô Souhila Belkati cùng con đứng trong ngôi nhà bị đám cháy rừng tại Bejaia, Algeria, thiêu trụi.
Cháy rừng cũng bùng phát tại vùng quê chung quanh thành phố cảng Latakia của Syria. Nhà chức trách nước này đang huy động trực thăng quân sự để khống chế đám cháy.
Ngày 25/7, một đám cháy rừng đã nhanh chóng bùng phát ở khu vực trung tâm đảo Gran Canaria của Tây Ban Nha, buộc các nhà chức trách phải sơ tán hàng trăm người dân, đóng cửa 3 tuyến đường và huy động trực thăng để kiểm soát ngọn lửa.
Cùng ngày, 2 phi công tham gia dập cháy rừng đã thiệt mạng sau khi máy bay của họ rơi xuống sườn đồi gần thị trấn Karystos trên đảo Evia ở phía đông thủ đô Athens, Hy Lạp.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng, nước này là một trong những quốc gia trên tuyến đầu chống biến đổi khí hậu và không có giải pháp nào dễ dàng thực hiện để chống biến đổi khí hậu.
"Tôi muốn nói rõ rằng, trước những gì mà toàn bộ hành tinh đang phải đối mặt, đặc biệt là Địa Trung Hải - điểm nóng của biến đổi khí hậu, không có cơ chế bảo vệ kỳ diệu nào, nếu có thì chúng tôi đã thực hiện rồi", ông Mitsotakis cho biết.
Trong những ngày gần đây, Hy Lạp đã sơ tán hơn 20.000 người địa phương và khách du lịch ra khỏi các ngôi nhà và khu nghỉ dưỡng ở phía nam đảo Rhodes.
Máy bay cứu hỏa thả nước xuống đám cháy gần làng Vati, đảo Rhodes, Hy Lạp, ngày 25/7/2023.
Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải Hy Lạp, tính đến ngày 25/7, gần 3.000 du khách đã trở về nhà bằng máy bay và các công ty lữ hành sẽ hủy các chuyến tham quan đảo Rhodes sắp tới.
Các đám cháy rừng được dự báo sẽ giáng một đòn mạnh vào du lịch - ngành trụ cột của nền kinh tế Hy Lạp. Ngành này chiếm 18% tổng sản phẩm quốc nội và tạo ra 20% việc làm cho Hy Lạp.
Trong khi đó, Italia đang phải hứng chịu tác động kép của thời tiết khi những cơn bão dữ dội ập vào miền bắc, còn miền nam nước này trở nên ngột ngạt do nắng nóng. Một cụ ông 98 tuổi đã thiệt mạng khi đám cháy tấn công ngôi nhà của ông tại miền nam Italia.
Các nhà khoa học đã so sánh nắng nóng khắc nghiệt là "kẻ giết người thầm lặng" vì các đợt nắng nóng có thể cướp đi tính mạng của nhiều người nghèo, người cao tuổi và người có bệnh nền.